Nâng cao tiềm lực KHCN cho các địa phương cấp huyện

Nhằm phát huy công tác nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN cho các địa phương cấp huyện. Tuy nhiên, để KH&CN thật sự làm tốt vai trò 'đòn bẩy' của mình, cần đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN mạnh hơn nữa.

TP Hạ Long lấy công nghệ thông tin làm chìa khóa đổi mới giáo dục.

TP Hạ Long lấy công nghệ thông tin làm chìa khóa đổi mới giáo dục.

Là thành phố trung tâm của tỉnh, bên cạnh sự đầu tư của tỉnh, TP Hạ Long cũng huy động mọi nguồn lực nâng cao tiềm lực KH&CN của địa phương.

Thành phố đã đầu tư cho dự án ứng dụng KH&CN với ngân sách nhà nước trên 3,8 tỷ đồng và 2 tỷ đồng từ các doanh nghiệp. Ngân sách thành phố cũng chi 1,2 tỷ đồng/năm cho triển khai chương trình OCOP và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý KH&CN.

Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch thông minh. Do đó, thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với trọng tâm là chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, giao thông, môi trường...

Thành phố đã tăng cường trang sắm, lắp đặt thiết bị hiện đại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của 33 xã, phường, với gần 10,5 tỷ đồng. Cùng với đó, TP Hạ Long đã làm chủ đầu tư 5 dự án ứng dụng CNTT trong quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch thông minh trên địa bàn.

Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Các sản phẩm OCOP của Hạ Long cũng được các doanh nghiệp, hộ sản xuất quan tâm đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản nhằm cung cấp sản phẩm đảm bảo ATTP đến người tiêu dùng.

Công ty TNHH Thanh Tuyền Group đổi mới hoàn toàn công nghệ tận dụng xỉ thải nhà máy Nhiệt điện Đông Triều để sản xuất gạch không nung phù hợp với 50 triệu viên/năm.

TX Đông Triều cũng là địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào thực tiễn. Từ năm 2017-2020, thị xã đã triển khai thực hiện 18 nhiệm vụ KHCN, với tổng kinh phí 28,445 tỷ đồng, trong đó ngân sách thị xã là 18,602 tỷ đồng, chiếm 65,4% tổng kinh phí, còn lại từ nguồn xã hội hóa.

Các nhiệm vụ KH&CN tập trung lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... Cùng với đó, thị xã đã khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tiêu biểu như Tập đoàn Hoàng Hà xây dựng nhà máy gạch tuynel áp dụng công nghệ mới hoàn toàn tự động giải phóng cho 95% sức lao động, tăng năng suất từ 75 triệu viên lên 90 triệu viên/năm. Công ty TNHH Thanh Tuyền Group đổi mới hoàn toàn công nghệ tận dụng xỉ thải nhà máy Nhiệt điện Đông Triều để sản xuất gạch không nung phù hợp với 50 triệu viện/năm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh ứng dụng thiết bị, công nghệ kỹ thuật tiên tiến cho sản xuất Gốm sứ gia dụng chất lượng cao tại nhà máy.

Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương Mại 188, ứng dụng KH&CN của Isarel và Đài Loan về giống, dây chuyền sản xuất trong trồng rau thủy canh với diện tích 2,5 ha, đã được chứng nhận VietGAP, sản lượng thu từ 3-5 tạ/ngày, cung cấp cho các siêu thị Hà Nội, Hạ Long.

Cùng với Hạ Long, Đông Triều, các địa phương trong tỉnh đã có sự quan tâm, đầu tư tiềm lực cho hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN của các địa phương được lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ lớn, như: Xây dựng nông thôn mới, chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chương trình phát triển đô thị, chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân... Nhiều nhiệm vụ, mô hình ứng dụng KH&CN đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học và chuyển đổi công nghệ mới của các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương còn gặp khó khăn do vốn đầu tư lớn, nhiều rủi ro, vì vậy còn tâm lý e ngại. Năng lực quản lý hoạt động KH&CN của một số cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương còn hạn chế, đặc biệt trong đề xuất thực hiện các nhiệm vụ hàng năm.

Vì vậy, trong định hướng hoạt động KH&CN, ngoài việc bảo đảm mức chi cho KH&CN từ ngân sách địa phương đạt mức bình quân hàng năm trên 2% tổng chi ngân sách thường xuyên, các địa phương còn được tiếp cận các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, nguồn vốn vay từ các quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tư nhân thành lập quỹ phát triển KHCN cơ sở.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202008/nang-cao-tiem-luc-khcn-cho-cac-dia-phuong-cap-huyen-2497088/