Nâng cao sức mạnh bộ máy quản lý thuế các DN 'chủ lực' của nền kinh tế

Với quy mô phát triển DN hiện nay, bộ máy quản lý thuế các DN lớn hiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Trong đó, còn thiếu chức năng giám sát công tác sau thanh tra - kiểm tra làm giảm hiệu quả quản lý chuyên sâu. Việc tái cơ cấu nâng cấp, lập Cục Quản lý Thuế các DN lớn (Cục QLT DNL) giúp việc tổ chức nghiệp vụ quản lý thuế các đơn vị kinh tế 'chủ lực' này thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần giúp Thuế thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tôn vinh các 30 DN nộp thuế, có đóng góp ngân sách tiêu biểu trong 30 năm vừa qua. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Tôn vinh các 30 DN nộp thuế, có đóng góp ngân sách tiêu biểu trong 30 năm vừa qua. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ xung quanh về nâng cao hiệu quả quản lý thuế DN trong bối cảnh hiện nay.

Theo Tổng cục Thuế, hiện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (QLTDNL) được phân công theo dõi danh sách 405 doanh nghiệp gồm 35 tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 17 lô mỏ dầu khí.

Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, Tổng cục đang dự kiến đưa vào danh sách 561 doanh nghiệp lớn (bằng 0,075% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) để thực hiện quản lý thuế. Chỉ tính riêng 561 doanh nghiệp này (gồm cả các công ty con trực thuộc) thì số thu nộp ngân sách nhà nước năm 2019 đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% tổng thu Ngân sách Nhà nước năm 2019 (không bao gồm thu từ quyền sử dụng đất, thu cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại cho phần vốn nhà nước, thu từ xổ số kiến thiết).

Nếu tính trong 9 tháng năm 2020, tổng số thu ngân sách Nhà nước từ riêng 561 doanh nghiệp lớn đạt 195,62 nghìn tỷ đồng, bằng 97% so với lũy kế 9 tháng cùng kỳ và bằng 65% so với cả năm 2019.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,075% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh vai trò hết sức quan trọng đối với ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp lớn cũng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế đất nước, đồng thời chịu trách nhiệm là đầu tàu, dẫn dẵn, thúc đẩy nền kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh - xã hội.

Hiện nay, dù đã rất nỗ lực, nhưng việc Tổng cục Thuế đang phải đối mặt với một số vấn đề tồn tại trong quản lý thuế doanh nghiệp lớn, trong đó, vị trí, chức năng và tổ chức, bộ máy hiện nay của Vụ QLTDNL chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; thiếu chức năng giám sát công tác sau thanh tra - kiểm tra làm giảm hiệu quả quản lý; quản lý chuyên sâu các doanh nghiệp lớn theo từng ngành/lĩnh vực kinh tế còn hạn chế; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quản lý thuế doanh nghiệp lớn chưa đầy đủ và đồng bộ.

Với quy mô phát triển DN hiện nay, bộ máy quản lý thuế các DN lớn hiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Trong đó, còn thiếu chức năng giám sát công tác sau thanh tra - kiểm tra làm giảm hiệu quả quản lý chuyên sâu. Việc tái cơ cấu nâng cấp, lập Cục Quản lý Thuế các DN lớn (Cục QLTDNL) sẽ giúp việc tổ chức nghiệp vụ quản lý thuế các đơn vị kinh tế “chủ lực” này thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần giúp Thuế thực hiện tốt nhiệm vụ.

Mới đây, xuất phát từ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế doanh nghiệp lớn trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận số 90/TB-VPCP ngày 11/3/2020 tại Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành thuế theo tinh thần của các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục, trong đó lưu ý thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia…”

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh đúng nhu cầu khách quan, xu thế tất yếu và sự cần thiết phải đổi mới công tác quản lý thuế doanh nghiệp lớn trong ngành thuế, tổ chức lại mô hình quản lý thuế ở cấp Trung ương (Tổng cục Thuế) để tăng tính tập trung, thống nhất, giữ vai trò chủ đạo của nguồn thu Ngân sách Trung ương, từ đó tạo động lực cho cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế và nâng cao công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước.

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính xây dựng “Đề án tổ chức lại Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục thuế”.

Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng khẳng định, việc đổi mới đi đôi với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; từng bước chuyển đổi sang mô hình “phục vụ” doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp lớn trong việc tuân thủ chính sách, pháp luật thuế.

“Việc cải cách nguyên tắc mô hình mới phải bảo đảm không tăng thêm số lượng, đầu mối trong toàn ngành, sử dụng biên chế trong tổng số biên chế được giao cho ngành thuế, không tăng thủ tục hành chính đối với người nộp thuế trên cơ sở phân định lại mối quan hệ phối hợp với Cục Thuế địa phương, tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết.

Trước đó, theo thực tiễn việc tái cơ cấu tại Bộ Tài chính, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán đã được tổ chức lại và chuyển đổi thành Cục Quản lý, giám sát Kế toán và Kiểm toán. Tại Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức lại Ban Quản lý rủi ro thành Cục Quản lý rủi ro và chuyển đổi Vụ Tài vụ Quản trị thành Cục Tài vụ Quản trị thuộc Tổng cục Hải quan. Các đơn vị nêu trên, khi được tổ chức lại đều đáp ứng các tiêu chí, điều kiện cụ thể theo quy định tại Nghị định của Chính phủ, qua thực hiện thời gian qua đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nang-cao-suc-manh-bo-may-quan-ly-thue-cac-dn-chu-luc-cua-nen-kinh-te/414726.vgp