Nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt

Cơ hội cho nông sản Việt trước Hiệp định EVFTA

(HNM) - Nông sản Việt Nam xuất sang châu Âu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết mới đây. Ngược lại, hàng hóa các nước châu Âu cũng sẽ được hưởng ưu đãi tương tự và cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt trên sân nhà. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp trong nước phải tăng giá trị cạnh tranh của nông sản, củng cố thị phần trong nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Cơ hội đan xen thách thức

Theo Tiến sĩ Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ EVFTA. Cụ thể, nông sản xuất khẩu sẽ được hưởng thuế suất 0%. Với các mặt hàng thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại được đưa về 0% sau 3 đến 7 năm triển khai hiệp định.

Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan hiện đại của NutiFood phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Nhưng để xuất được hàng sang châu Âu, hàng nông sản Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU). Bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia kinh tế thuộc Dự án EU-Mutrap cho biết, với sản phẩm chăn nuôi, phải đáp ứng "quyền động vật", quy trình giết mổ nhân đạo... Đối với thủy sản, tàu cá phải đăng ký thành viên EU, mang cờ EU và Việt Nam khi đánh bắt và phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện: Tàu có ít nhất 50% sở hữu của một công dân các nước thành viên EU hoặc Việt Nam; tàu thuộc sở hữu của doanh nghiệp có trụ sở ở EU hoặc Việt Nam. Đặc biệt, hàng nông sản Việt Nam muốn xuất đi châu Âu, phải nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý được EU công nhận...

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện EU đang công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó có nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, trà Tân Cương, Mộc Châu, vải Thanh Hà, Lục Ngạn... nhưng những chỉ dẫn địa lý này chưa phủ hết các vùng trồng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng Tài chính, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, chuyên xuất khẩu cà phê cho biết: “Chúng tôi xây dựng vùng trồng cà phê trên 20 năm tại Gia Lai. Nay, với yêu cầu mới, doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi để xây dựng các vùng trồng theo chỉ dẫn địa lý được EU công nhận và đặt hàng cho nông dân, đại lý cà phê tại Buôn Mê Thuột".

Không chỉ nỗ lực đạt các tiêu chuẩn khắt khe để vào được châu Âu, hàng Việt cũng sẽ phải chủ động giữ thị phần trong nước, khi hàng hóa châu Âu cũng được hưởng lợi từ các ưu đãi mà EVFTA mang lại để "đổ bộ" Việt Nam. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI nhấn mạnh: “Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, nên sẽ khó tính hơn. Doanh nghiệp trong nước phải chạy theo các tiêu chuẩn của châu Âu khiến chi phí sản xuất trong nước sẽ tăng cao hơn mặt hàng EU nhập vào Việt Nam". Còn ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Intimex Group cho biết: “Hiện nhiều nước châu Âu đã đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nội”.

Tìm cách tháo gỡ những khó khăn

Thay đổi công nghệ, chu trình quản lý và sản xuất hàng hóa theo quy mô công nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa và chủ động tạo dựng chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu là những nhiệm vụ mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cấp quản lý xác định khi thực hiện EVFTA. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: “Ngành Nông nghiệp trước đây chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, giá trị thấp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh, xây dựng ngành chế biến nông sản để tăng giá trị cạnh tranh nông sản xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước".

Khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản Việt Nam là tìm nguồn vốn để đầu tư sản xuất theo công nghệ mới. Ông Trần Bảy, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp và Nhà đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh (HBC) cho biết: “HBC hiện đã có 280 doanh nghiệp thành viên. Trước mắt, HBC sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn tín dụng phù hợp, thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa”.

Ở phía Nam, Đồng Nai là một trong các địa phương có ngành chăn nuôi rất phát triển, cung cấp lượng lớn thịt gia súc, gia cầm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định, hiện chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi còn cao, chiếm đến hơn 60% tổng giá thành, sẽ rất khó cạnh tranh. Ngành chăn nuôi sẽ phải chuyển sang quy mô công nghiệp. Lộ trình áp thuế quan mới cho cả hàng Việt và châu Âu sẽ kéo dài từ 3 đến 7 năm tới. Đây chính là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp trong nước thay đổi tư duy, công nghệ.

Hiện nhiều doanh nghiệp phía Nam đã chủ động nắm bắt cơ hội để tận dụng EVFTA một cách tốt nhất. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chia sẻ: "Chúng tôi tự tin vì hiện 50% giá trị hàng xuất khẩu của doanh nghiệp là sang châu Âu. Nay thuế giảm từ 18% về 0% sẽ tạo thuận lợi rất lớn để công ty gia tăng xuất khẩu". Tiếp cận vấn đề theo một hướng khác, ông Diệp Nam Hải, Giám đốc Công ty Cholimex, doanh nghiệp đang có 70% giá trị xuất khẩu hàng chế biến thực phẩm vào thị trường châu Âu cho biết, sẽ hợp tác với các đối tác châu Âu để tăng chất lượng hàng hóa và giá trị xuất khẩu vào EU. Các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, NutriFood thậm chí đã mở nhà máy ngay tại châu Âu để chủ động chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/944571/nang-cao-suc-canh-tranh-cua-nong-san-viet