Nâng cao sức bật cho doanh nghiệp nhờ hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa những năm qua đã tập trung hỗ trợ DN triển khai các mô hình điểm, áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến.

Tân Á Đại Thành là mô hình điểm về áp dụng và duy trì hệ thống quản lý, để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Tân Á Đại Thành là mô hình điểm về áp dụng và duy trì hệ thống quản lý, để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn hỗ trợ cho công tác quản lý sản phẩm hàng hóa và hỗ trợ doanh nghiệp, giúp cho sản phẩm hàng hóa đáp ứng được tiêu chuẩn, thuận lợi trong việc xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh. Thời gian vừa qua, hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tham khảo Tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế uy tín. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất theo TCVN có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, được thị trường thế giới chấp nhận.

Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), đến nay, có 13.000 TCVN đang có hiệu lực; tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 56%; hơn 800 QCVN tập trung vào sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về đo lường góp phần tạo điều kiện cho DN nâng cao sức cạnh tranh; đáp ứng nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, năm 2019, đã cấp 206 giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 81 lượt đơn vị; phê duyệt 5.330 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước. Cùng với đó, đã cấp mới 5.361 mã DN, xác nhận 115 hồ sơ sử dụng mã nước ngoài và 27 hồ sơ ủy quyền sử dụng mã số mã vạch.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng hướng dẫn các địa phương triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” và Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thực tế cho thấy, khi năng suất, chất lượng được bảo đảm, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Thành công của Tập đoàn Tân Á Đại Thành là minh chứng điển hình. Nhờ nỗ lực áp dụng và duy trì hệ thống quản lý, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại khép kín, để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, giờ đây Tân Á Đại Thành đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất hàng kim khí gia dụng và thiết bị ngành nước tại Việt Nam.

Tương tự Tập đoàn Tân Á Đại Thành, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang trở thành yếu tố then chốt để tạo nên vị thế cạnh tranh của thép Việt Đức trên thị trường. Trước yêu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của khách hàng, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức đã đầu tư mới, đồng bộ dây chuyền công nghệ sản xuất thép Việt Đức hiện đại; đồng thời, tối ưu hóa năng lực sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Nhờ đó, Thép Việt Đức đã khẳng được vị thế và chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng trong nhiều năm qua.

Hà Thanh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nang-cao-suc-bat-cho-doanh-nghiep-nho-he-thong-tieu-chuan-do-luong-chat-luong-d171089.html