Nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không chỉ quan trọng ở điểm số, thứ hạng mà còn là kết quả đánh giá của doanh nghiệp (DN) đối với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Do vậy, nâng cao Chỉ số PCI cũng chính là nâng cao sự hài lòng của DN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê văn Nưng tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI tỉnh An Giang năm 2019

Chưa bằng lòng với kết quả

Ngày 5-5-2020, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố trực tuyến Chỉ số PCI năm 2019, trong khuôn khổ Dự án PCI do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Đây là kết quả được khảo sát từ 12.429 DN, gồm: 10.846 DN ở 63 tỉnh, thành phố trong nước (bình quân 170 DN/tỉnh, thành phố), trong đó có 2.073 DN mới thành lập năm 2018, 2019 (tham gia đánh giá riêng về thủ tục gia nhập thị trường) và 1.583 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kết quả cho thấy, Chỉ số PCI năm 2019 của An Giang đạt 66,44 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,79 điểm và 7 bậc trên bảng xếp hạng so năm 2018), thuộc nhóm điều hành “khá”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 10 chỉ số thành phần của PCI 2019, có 7 chỉ số tăng điểm, gồm các chỉ số: Tiếp cận đất đai (đạt 7,84 điểm, tăng 1,24 điểm so năm 2018); Chi phí thời gian (đạt 7,63 điểm, tăng 0,06 điểm); Tính minh bạch (đạt 7,44 điểm, tăng 1,3 điểm); Đào tạo lao động (đạt 6,31 điểm, tăng 0,73 điểm); Tính năng động (đạt 6,88 điểm, tăng 0,66 điểm); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (đạt 6,39 điểm, tăng 0,35 điểm); Chi phí gia nhập thị trường (đạt 7,05 điểm, tăng 0,09 điểm).

Tuy nhiên, cũng có 3 chỉ số giảm điểm, gồm các chỉ số: Dịch vụ hỗ trợ DN (đạt 5,58 điểm, giảm 0,66 điểm); Chi phí không chính thức (đạt 6,55 điểm, giảm 0, 53 điểm) và Cạnh tranh bình đẳng (đạt 6,69 điểm, giảm 0,2 điểm). Mặc dù đánh giá cao nỗ lực cải thiện điểm số và thứ hạng PCI năm 2019 nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đây là kết quả chưa thể làm hài lòng lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Trong đó, những chỉ số giảm điểm lại là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hỗ trợ DN cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Dù tăng điểm, tăng thứ hạng nhưng rõ ràng, kết quả PCI năm 2019 là chưa tương xứng với những nỗ lực của An Giang trong thời gian qua, nhất là so với kết quả cải thiện của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Kết quả công bố của VCCI cho thấy, ngoài Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2019 với 73,4 điểm thì ĐBSCL đã có 4 tỉnh đạt thứ hạng cao, nằm trong nhóm điều hành “rất tốt” là: Đồng Tháp (72,1 điểm, xếp hạng 2 cả nước), Vĩnh Long (71,3 điểm, xếp hạng 3), Bến Tre (69,34 điểm, xếp hạng 7) và Long An (68,82 điểm, xếp hạng 8); riêng TP. Cần Thơ đạt 68,38 điểm, xếp hạng 11 cả nước, thuộc nhóm điều hành “tốt”.

So khu vực ĐBSCL, An Giang đứng thứ 6/13 tỉnh, thành phố (bằng năm 2018). Ngoại trừ Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh nằm trong nhóm điều hành “trung bình”, 4 tỉnh còn lại (Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang) đều nằm trong nhóm điều hành “khá” như An Giang.

Nỗ lực cải thiện

Theo dõi biểu đồ diễn biến Chỉ số PCI những năm gần đây cho thấy, An Giang đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua điểm tổng số PCI tăng dần từng năm. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Thành Nhơn cho biết, ngoài các chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian tăng liên tục thì chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin lần đầu tiên dẫn đầu cả nước (đạt 7,44 điểm).

“Điều đó cho thấy niềm tin, sự hài lòng ngày càng cao và sự ghi nhận của cộng đồng DN, nhà đầu tư đối với công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ DN phát triển của tỉnh” – ông Nhơn nhận xét.

DN cũng đánh giá chính quyền tỉnh năng động hơn (82,86% cho rằng UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN khu vực kinh tế tư nhân). DN cũng dễ dàng hơn trong tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian đăng ký DN và thay đổi đăng ý DN…

Tuy nhiên, theo ông Nhơn, dù An Giang có tăng điểm và tăng hạng qua các năm nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định so nhóm điều hành “tốt”. Trong đó, đáng lo ngại là sự sụt giảm điểm số rất lớn của chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (từ +1,9 của giai đoạn 2017-2018 về -0,22 của giai đoạn 2018-2019) và chỉ số Chi phí không chính thức (từ +1,88 của giai đoạn 2017-2018 về -0,53 của giai đoạn 2018-2019).

Cùng với đó, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN tại tỉnh chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu DN. Về tình hình an ninh trật tự, dù tỷ lệ DN đánh giá tình hình tại tỉnh “tốt” tăng 5,42% so năm 2018 nhưng ngịch lý là tỷ lệ DN bị mất trộm tài sản lại tăng 2,69%. Nhiều DN cho rằng, cơ quan công an chưa thật sự tích cực hỗ trợ trong việc giải quyết vụ mất trộm tài sản (tỷ lệ vẫn là 50% như năm 2018).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho rằng, kết quả Chỉ số PCI hàng năm chẳng những “đánh thức” tinh thần trách nhiệm của tỉnh, mà còn có độ lan tỏa cao. “PCI là kết quả vô hình thúc đẩy tỉnh, các sở, ngành và chính quyền các cấp không dừng lại, phải nỗ lực nhiều hơn. PCI được DN xem là động lực đầu tư kinh doanh, còn chính quyền xem là trách nhiệm. Nếu xem điểm số PCI là “phong độ nhất thời” thì chính sự hài lòng của DN mới là “đẳng cấp mãi mãi”.

Do vậy, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngoài mục tiêu cải thiện điểm số PCI còn nhằm cải thiện ngày càng tốt hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN làm ăn, phát triển trên vùng đất An Giang” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận DN, chuyển tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ và chăm sóc”. Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục cầu thị lắng nghe và hỗ trợ thiết thực cho DN.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-su-hai-long-cua-doanh-nghiep-a277309.html