Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nghề công chứng

Sau hơn 5 năm thi hành Luật, hoạt động công chứng tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác triển khai thi hành Luật Công chứng đồng bộ, kịp thời

Thực hiện Kế hoạch tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014, ngày 14/01, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu (01 điểm cầu ở Trung ương và 63 điểm cầu địa phương).

Theo báo cáo của bà Đặng Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp về việc tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng thì ngay sau khi Luật Công chứng được Quốc hội ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng, các công văn hướng dẫn, đôn đốc địa phương, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên thực hiện.

Bà Đặng Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp phát biểu.

Bà Đặng Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp phát biểu.

Bộ Ngoại giao cũng đã triển khai Luật Công chứng tới các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cập nhật quy định mới liên quan đến hoạt động công chứng trong Sổ tay công tác lãnh sự và nội dung bài giảng tại các khóa đào tạo nghiệp vụ lãnh sự nhằm trang bị kiến thức; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công chứng cho công chức đi công tác nhiệm kỳ tại cơ quan đại diện; gửi khoảng hơn 100 công điện mỗi năm để hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan đại diện nhằm đảm bảo các quy định về công chứng được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

“Tại địa phương, nhìn chung công tác triển khai thi hành Luật Công chứng đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng ở Trung ương, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng cơ bản được nâng lên, tạo tiền đề cho việc phát triển có hiệu quả Luật Công chứng trên phạm vi toàn quốc và trong từng địa phương, đặc biệt là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nhiều Quốc gia”, bà Đặng Kim Hoa phát biểu.

Theo đánh giá chung của Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Luật Công chứng năm 2014 được ban hành đã góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật về công chứng. Sau hơn 5 năm thi hành Luật, hoạt động công chứng đạt được nhiều kết quả, nổi bật: Hoạt động công chứng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa; góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên; hoàn thành nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế được hoàn thành tốt.

Để khắc phục một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều; chất lượng hoạt động nghề còn có những sai sót; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng, chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội….

Từ đó, đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp đề xuất giải pháp: Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về vị trí, vai trò của nghề công chứng, công chứng viên trong việc đảm bảo an toàn pháp lý đối với các hợp đồng giao dịch.

Tiếp nữa, cần tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Công chứng và các quy định có liên quan.

Tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tăng cường đạo đức hành nghề cho các công chứng viên, hạn chế những nhận thức không đúng, tùy tiện trong ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận công chứng viên…

Xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động công chứng

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Tuấn Đạo Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho biết: Hội công chứng viên là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các công chứng viên hành nghề trên địa bàn, được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.

“Hội Công chứng viên hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng, Nghị định này và Điều lệ Tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của công chứng viên”, ông Tuấn Đạo Thanh cho hay.

Tiếp đến, bà Tạ Thị Tài – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp nhấn mạnh về một số vấn đề về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng.

Bà Tài phát biểu: “Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xã hội hóa hoạt động công chứng cũng đem lại những khó khăn, thách thức trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng. Hiện tượng không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm công chứng vẫn xảy ra.

Một số văn phòng công chứng bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ công chứng ở các địa bàn ngoài trụ sở của tổ chức, không niêm yết lịch làm việc; thu phí công chứng, thù lao công chứng cao hơn quy định, vi phạm quy định về lưu trữ hồ sơ công chứng, một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những sai sót trong hoạt động công chứng”.

Chính vì vậy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng, trong thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng đã được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm, tăng cường thực hiện nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp – ông Phan Chí Hiếu phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – ông Phan Chí Hiếu bày tỏ: “Các đại biểu dự hội nghị đều đánh giá cao công tác tổ chức hội nghị, các tham luận tổ chức nghiêm túc, chất lượng tốt, tham luận ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, kiến kiến tham luận nghiệm túc và đề xuất nhiều giải pháp, ý kiến kiến nghị có ý kiến tham khảo, làm cơ sở pháp lý quan trong cho nghề công chứng của chúng ta”.

Nguyễn Thị Thúy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-vi-tri-vai-tro-cua-nghe-cong-chung-a539998.html