'Nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em'

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em được tổ chức tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã với 18.000 người – cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân về nhận thức rất quan trọng. “Báo cáo đã nêu rất rõ, tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác bảo vệ trẻ em chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức. Việc giáo dục kiến thức, kỹ năng với trẻ em rất quan trọng nhưng chưa được chú trọng”.

“Chúng ta phát triển kinh tế thị trường, chạy theo xã hội thị trường rồi coi thường luân thường đạo lý trong xã hội. Sự xuống cấp đạo đức cộng thêm việc thực thi pháp luật không nghiêm dẫn đến những hành vi sai trái với trẻ em.

Bởi vậy việc nâng cao nhận thức rất quan trọng, trước hết là đối với 17 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, sau đó là đối với gia đình, nhà trường, xã hội. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ của mỗi người, của từng gia đình, từng nhà trường, của cả xã hội chứ không phải chỉ riêng của một cấp, một ngành nào. Và nhiệm vụ này phải làm hàng ngày”, Thủ tướng nói.

Trong báo cáo công tác bảo vệ trẻ em phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: “Mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%”. Đáng chú ý, “những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý (bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng và xâm hại tình dục trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự) cho nên con số nói trên mới là phần nổi của tảng băng chìm”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp gia đình của trẻ em nạn nhân không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình hoặc bị thủ phạm đe dọa…

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Ở “phần nổi” của tảng băng, có 28 tỉnh, TP một trong hai năm 2016 hoặc 2017 có từ 30 đến 110 trẻ em bị xâm hại trong các vụ việc xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em bị xử lý hình sự. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,3%; bởi giáo viên, nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi các đối tượng khác là 12,6%. Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.

Đại diện các Bộ, ngành cũng đánh giá, sau khi Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, công tác bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực từ công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện và phối hợp thực hiện, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Nổi bật là số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đã tăng lên so với thời gian trước đây do nhận thức của người dân đang dần được nâng cao trong việc thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Kết quả này có được là do việc tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý vụ việc, bảo mật thông tin, cung cấp dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan chức năng được thực hiện theo quy định pháp luật đã từng bước củng cố niềm tin cho người dân và các tổ chức xã hội vào hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống, ngăn chặn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến cũng nhìn nhận, công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hệ thống nhân lực làm công tác quản lý Nhà nước về trẻ em và bảo vệ trẻ em ở các cấp thiếu về số lượng, còn kiêm nhiệm quá nhiều việc và thường xuyên có sự thay đổi.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chưa được xác định, phân công theo quy định của Luật Trẻ em. Do chưa có cán bộ chuyên trách, nên công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chủ yếu do công chức chuyên trách theo dõi về LĐ-TB&XH đảm nhận. Trong khi khối lượng công việc của công chức này vốn đã quá tải, năng lực về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em lại hạn chế do chưa được tập huấn, đào tạo cơ bản. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện kịp thời, đầy đủ các hoạt động hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật. Việc kiện toàn đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cộng đồng dân cư đang là một thách thức lớn do nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ.

Giai đoạn trước năm 2007, toàn quốc có hơn 162 nghìn cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cộng đồng dân cư. Hiện nay, theo báo cáo của các tỉnh, TP có 82.740 cộng tác viên kiêm nhiệm công tác trẻ em (giảm gần 79.260 cộng tác viên, tương đường gần 49% so với năm 2007).

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-cong-tac-bao-ve-cham-soc-tre-em-120010.html