Nâng cao nhận thức về bệnh đột quỵ

Sáng nay (30.11), hơn 1.000 người đã tham gia 'Chương trình đi bộ đồng hành nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ'. Đây là chương trình do Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với các đối tác tổ chức nhằm truyền tải thông điệp có thể phòng ngừa bệnh đột quỵ…

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng, chiếm từ 10 - 15% tổng số ca. Đột quỵ không chỉ gây ra gánh nặng cho gia đình người bệnh mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội.

Hơn 1.000 người tham gia "Chương trình đi bộ đồng hành nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ” vào sáng nay 30.11 - Ảnh: PV

Hơn 1.000 người tham gia "Chương trình đi bộ đồng hành nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ” vào sáng nay 30.11 - Ảnh: PV

Hơn 1.000 người tham gia “Chương trình đi bộ đồng hành nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ” với các lộ trình trong khuôn viên bệnh viện, tạo nên không khí sôi động và gắn kết cộng đồng. Tất cả người tham gia được nhận kỷ niệm chương và mời tham gia tầm soát nguy cơ đột quỵ miễn phí.

Ngoài ra, chương trình còn dành tặng 100 voucher gói khám tổng quát tập trung tìm kiếm nguy cơ mắc đột quỵ", trong đó ưu đãi 30% chi phí chụp CT 512 tái tạo lên tới 1.975 lát cắt, hoặc MRI 3T cho kết quả chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn rất nhiều so với thế hệ cũ, dành cho 100 vận động viên đầu tiên đăng ký khám tư vấn.

Thiếu tướng, TS-BS Trần Quốc Việt - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết hiện nay bệnh nhân bị đột quỵ đến bệnh viện không chỉ ngày càng tăng mà còn tuổi đời ngày càng trẻ. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện đã qua giờ vàng, cơ hội hồi phục, trở lại bình thường rất khó. Đây là trách nhiệm của ngành y nói chung và của bệnh viện nói riêng.

Thông qua chương trình này, bệnh viện mong muốn nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ qua việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phương pháp FAST (Face – Arm – Speech – Time) để nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ, có biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, di chứng của căn bệnh này; thúc đẩy cộng đồng duy trì thói quen rèn luyện thể chất, ăn uống khoa học và kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhằm phòng ngừa và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ; kết nối, chia sẻ thông tin y học tiên tiến giữa bệnh viện, cộng đồng và các tổ chức y tế…

“Chúng tôi sẽ tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh đột quỵ. Qua đó, chúng ta điều trị sớm, giúp bệnh nhân phục hồi tốt, không để lại di chứng trong quá trình điều trị. Đây là mục đích cao nhất của chương trình”, ông Việt nhấn mạnh.

“Sự kiện hôm nay không chỉ mang đến những thông tin y tế hữu ích mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe bản thân và gia đình. Ngoài ra, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng đột quỵ có thể phòng ngừa, nếu chúng ta hành động đúng cách, duy trì một lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, kiểm soát các yếu tố nguy cơ... Đó chính là chìa khóa bảo vệ sức khỏe”, ông Việt nói.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-benh-dot-quy-226593.html