Nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh

Được ví như 'trái tim' của Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài hơn 73km, tiếp giáp với tỉnh Mun Đun Ki Ri, Vương quốc Campuchia. Địa bàn biên giới của tỉnh hiện có 4 xã thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp với trên 22.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 42,14%. So với mặt bằng chung của toàn tỉnh, địa bàn biên giới vẫn là khu vực chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, có xã chiếm tới gần 81,5%. Bên cạnh đó, trình độ dân trí và những vấn đề về dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán, di cư tự phát... đã tác động tiêu cực đến an ninh trật tự và công tác quản lý, duy trì pháp luật ở khu vực biên giới.

Cán bộ BĐBP Đắk Lắk phát rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Cán bộ BĐBP Đắk Lắk phát rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Trước thực trạng nêu trên, thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017- 2021” (gọi tắt là Đề án), UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Đề án, kịp thời tham mưu đề xuất với UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đầy đủ theo quy định.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án, các thành viên Ban (tổ) Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, trao đổi với lực lượng BĐBP tỉnh những nội dung cần tập trung tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, kết hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức pháp luật cho các chủ nhân vùng biên giới.

Từ đầu năm 2018 đến nay, BĐBP Đắk Lắk đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức tuyên truyền được 18 buổi với gần 1.000 lượt người tham gia, qua đó, trợ giúp pháp lý và giải đáp pháp luật tại chỗ cho nhiều đối tượng thuộc diện cần được bổ sung kiến thức pháp luật.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các đồn Biên phòng trên địa bàn 4 xã biên giới Ia Lốp, Ia Rvê, Ea Bung (huyện Ea Súp) và Krông Na (huyện Buôn Đôn) đẩy mạnh phát động phong trào quần chúng đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Các đơn vị đã tổ chức cho các thôn, buôn, hộ gia đình ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật, không vi phạm, không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm; kết hợp tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền tập trung và nhỏ lẻ cho gần 22.000 lượt người nghe về những nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, không ngừng nâng cao ý thức làm chủ của người dân vùng biên giới.

Bên cạnh công tác tuyên truyền đa dạng, trực quan sinh động, có thể nói, một trong những nét nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện Đề án ở tỉnh Đắk Lắk đó là việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn dân cư biên giới, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở xã Ia Rvê, Đồn Biên phòng Ia Rvê phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã triển khai xây dựng mô hình “Chi đoàn không có đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật, pháp luật” và “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”. Tương tự, tại xã Ia Lốp, các mô hình “Thôn không có thanh niên vi phạm pháp luật”, “Tiếng mõ an ninh, tiếng kẻng dân phòng” ở thôn Đừng, thôn Nhạp, “Hội Phụ nữ tham gia phòng, chống vượt biên” ở thôn Quý Mùi, thôn Nhạp do Đồn Biên phòng Ia Lốp xây dựng đã phát huy hiệu quả tích cực.

Riêng tại các khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ea Bung, Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê triển khai xây dựng mô hình “Phụ nữ nói không với tảo hôn” góp phần đẩy lùi tập tục lạc hậu, nhưng vẫn giữ nguyên được những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Trên địa bàn biên giới huyện Buôn Đôn, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phối hợp với Hội Phụ nữ xã Krông Na cho ra mắt mô hình “Phụ nữ với pháp luật” tạo điều kiện thuận lợi để đưa Đề án đi vào cuộc sống. Điểm chung của các mô hình sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn biên giới tỉnh Đắk Lắk đó là “nhân vật chính” tham gia đều là phụ nữ và thanh niên, những trụ cột chính trong gia đình và có tiếng nói quyết định (đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số duy trì chế độ mẫu hệ) nên có thể nói, đã tập hợp được tất cả mọi đối tượng tham gia, tạo nên những hiệu ứng tích cực xây dựng biên giới ngày càng ổn định và phát triển.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, xây dựng mô hình ở cơ sở, BĐBP Đắk Lắk còn phối hợp với ngành, địa phương tổ chức lồng ghép thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP tỉnh phối hợp với các đoàn biểu diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh đi biểu diễn phục vụ cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. Đây chính là một trong những hình thức tuyên truyền tập trung hiệu quả nhất, bởi có những buổi biểu diễn ngoài trời đã thu hút hàng nghìn cán bộ và nhân dân tham gia, lời ca tiếng hát cũng đã giúp cho nội dung truyên truyền không bị khô cứng, nhàm chán.

Những kết quả sau gần 2 năm thực hiện Đề án ở tỉnh Đắk Lắk đã góp phần làm chuyển biến nhận thức trong việc chấp hành kỷ luật, pháp luật của các chủ nhân vùng biên giới. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới giảm sâu so với những năm trước đây, thực trạng phá rừng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai và hoạt động của các loại tội phạm khác đã được kiềm chế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, tạo tiền đề quan trọng giúp các địa phương vùng biên giới triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-xay-dung-dia-ban-bien-gioi-vung-manh/