Nâng cao nhận thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Bình diễn ra khá phổ biến, làm giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực và là lực cản với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho đồng bào đang được các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả.

Tuyên truyền pháp luật về giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Tuyên truyền pháp luật về giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Thời gian qua, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Bình diễn ra khá phổ biến, làm giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực và là lực cản với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho đồng bào đang được các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả.

Những năm qua, từ sự quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Bình triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền đồng bào DTTS xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH và HNCHT), góp phần cải thiện chất lượng dân số và xây dựng đời sống văn hóa ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nạn TH và HNCHT trong vùng sâu vẫn còn xảy ra khá phức tạp. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, 5 năm gần đây, số vợ chồng đồng bào DTTS tảo hôn chiếm 22,46% và HNCHT chiếm 0,85% trong tổng số các cặp kết hôn trên toàn tỉnh. Chẳng hạn như Hồ Thị May ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) mới 30 tuổi đã có năm đứa con. Lấy chồng sớm, sinh nhiều con nên chị May thường xuyên đau ốm. Cuộc sống của gia đình gồm bảy người chỉ trông chờ vào việc đi rừng của người chồng là Cao Văn Hùng nên thiếu trước hụt sau, chính quyền phải trợ cấp thường xuyên. Cách nhà của Hồ Thị May không xa, gia đình chị Thiêu cũng thuộc diện đặc biệt khó khăn ở bản Kè. Chị Thiêu năm nay 36 tuổi nhưng có tám người con và lấy chồng rất sớm. Mấy đứa con đều trong tình trạng suy dinh dưỡng, chậm phát triển. Ðiều đáng nói là, không chỉ kết hôn sớm mà ở xã vùng cao Lâm Hóa còn có nhiều trường hợp kết hôn với người cùng huyết thống. Anh Hồ Bật ở bản Cáo kết hôn với chị Phạm Thị Náy là chị con bác ruột của mình. Thậm chí, cả bốn anh chị em ruột trong gia đình Hồ Bật cùng kết hôn với bốn anh chị em ruột gia đình Phạm Thị Náy.

Trước thực tế đó, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển thuộc Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình) phối hợp thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý đối với các vấn đề về TH và HNCHT cho phụ nữ, trẻ em vị thành niên là người DTTS tại hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa". Dựa trên đặc điểm về tự nhiên và xã hội vùng đồng bào DTTS, đó là nhiều người không biết chữ hoặc không hiểu rõ tiếng phổ thông, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển lựa chọn việc xây dựng và vận hành các câu lạc bộ gia đình và pháp luật với thành viên chủ yếu là người bản địa làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, chuyển tải các nội dung cần trao đổi đến với bà con. Các thành viên này trở thành những tuyên truyền viên cộng đồng, tham gia hỗ trợ và phổ biến các kiến thức liên quan hôn nhân và gia đình tại địa phương. Trung tâm phối hợp chính quyền các địa phương khảo sát xác định cụ thể nguyên nhân TH và HNCHT; tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về các nội dung này; tư vấn thành lập và vận hành câu lạc bộ gia đình và pháp luật; tổ chức các khóa sinh hoạt định kỳ cho các câu lạc bộ nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật... Ðiểm mới trong cách tuyên truyền pháp luật lần này là trung tâm tổ chức các phiên tòa giả định với sự tham gia của đông đảo học sinh THCS trở lên. Qua phiên tòa, các em biết được thế nào là tảo hôn, như thế nào là HNCHT và anh em trong phạm vi ba đời thì không được kết hôn, biết được độ tuổi phù hợp để kết hôn, nếu không hệ quả sẽ như thế nào... Từ đó, các em có thể tự mình thực hiện hoặc tuyên truyền cho gia đình, bạn bè, anh em trong bản làng thực hiện tốt việc phòng chống.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân liên quan vấn đề nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh lập đường dây nóng liên lạc, tư vấn pháp luật; đại diện, bào chữa cho các vụ án trong lĩnh vực này. Sáu tháng qua, có 343 lượt người được tư vấn, hỗ trợ pháp lý cũng như bào chữa tại tòa. Người dân bắt đầu tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp lý trực tuyến. Bên cạnh đó, hoạt động của các thành viên câu lạc bộ gia đình và pháp luật ở địa phương đã góp phần hạn chế tình trạng này. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển Châu Văn Huệ, dự án đã nâng cao được nhận thức pháp luật và tư vấn pháp lý bước đầu về Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó trọng tâm là các vấn đề liên quan TH và HNCHT cho cán bộ cơ quan nhà nước, thành viên câu lạc bộ ở các địa phương. Thông qua đó, gần 4.000 người dân được tiếp cận kiến thức pháp luật tốt hơn, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 89% và nữ giới chiếm 66%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Ðinh Văn Lĩnh cho biết, dự án nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý đối với các vấn đề TH và HNCHT tại Minh Hóa tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức của đồng bào DTTS, giúp phụ nữ, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn có thêm kiến thức, ý chí và động lực để vươn lên. Từ đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào DTTS, từng bước cải thiện đời sống của người dân.

Bài và ảnh: Hương Giang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/phapluat/nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-ho-tro-phap-ly-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-631067/