Nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh

'Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh' góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại mít tinh. (Ảnh: Hiền Minh)

Hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, từ 12-18/11/2018”, ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh với chủ đề “Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm”.

“Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh” góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị , đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi cảnh quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi. Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, với mục đích nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên các Trường Đại học Y, Dược, Nông nghiệp – là nơi đào tạo ra các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sỹ thú y…, là người sẽ tham gia vào quá trình chẩn đoán, chỉ định kháng sinh, điều trị và tư vấn về sử dụng kháng sinh ở người và động vật trong tương lai, Bộ Y tế tổ chức 3 sự kiện mít tinh trong tuần lễ từ 12-18/11/2018 tại 3 trường đại học Y, Dược lớn trong cả nước: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội (13/11/2018) và tại Trường Đại học Y Hải Phòng (14/11).

Để thực hiện các hoạt động truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, in ấn và cấp phát các tài liệu tuyên truyền về kháng kháng sinh nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống kháng sinh cho cộng đồng, sinh viên, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất, phân phối thuốc thú y.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, kháng kháng sinh trên toàn cầu do nhiều yếu tố khác nhau như kê đơn và cấp phát kháng sinh quá mức; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng và nhân viên y tế về kháng thuốc. Thông qua đó đã thiết lập một được mạng lưới giám sát tại 16 Bệnh viện để theo dõi vi khuẩn kháng thuốc; theo dõi tiêu thụ kháng sinh; thực hiện Chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện; tăng cường quy định về thuốc kháng sinh trên thị trường; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn…

Để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh. Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh. Không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa. Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, thực hành quan hệ tình dục an toàn và tiêm vắc xin đầy đủ.

Các nhân viên và cơ sở y tế phải đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành. Báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng. Hướng dẫn bệnh nhân, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng (như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn, che mũi và miệng khi hắt hơi).

Đồng thời, các nhà thuốc chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sỹ; cung cấp kháng sinh có chất lượng; tư vấn cho bệnh nhân, người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng…/.

BL

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/nang-cao-nhan-thuc-cua-cong-dong-ve-khang-khang-sinh-504850.html