Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai

Từ xưa đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, thời gian gần đây, tác động của biến đổi khí hậu cùng với tác động của quá trình phát triển kinh tế xã hội, thiên tai tại Việt Nam luôn diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan.

Để góp phần làm giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, trước tiên cần phải nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng, các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội.

Chủ động phòng ngừa thiên tai

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và kinh tế cho người dân. Dù các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai nhưng một trong những giải pháp được xem là quan trọng, cần được triển khai mạnh hơn nữa trong thời gian tới là nâng cao kỹ năng ứng phó rủi ro thiên tai của người dân và chính quyền cơ sở.

Nhận định về vấn đề rủi ro thiên tai tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết: Đặc điểm địa hình của Việt Nam khá phức tạp, có hệ thống sông, suối dày đặc trên cả nước và ở vùng hạ du của hai con sông lớn nên từ xưa đến nay, Việt Nam luôn luôn phải ứng phó với các đợt thiên tai. Thời gian gần đây, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan hơn, cường độ của thiên tai cũng có xu hướng tăng mạnh hơn. Nguyên nhân theo phân tích của các nhà khoa học chính là do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

“Vài năm trở lại đây, các thiên tai như lũ lụt, rét đậm rét hại, nắng nóng, hạn hán... xuất hiện với cường độ rất cao. Ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu thì chính sự phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế xã hội cũng khiến cho gia tăng các rủi ro thiên tai, hoặc là xuất hiện những thiên tai mới. Có thể chỉ ra một vài ví dụ cụ thể như tình trạng khai thác cát quá mức khiến cho bờ sông, bờ biển bị sói lở. Hay như vấn đề khai thác rừng nguyên sinh, khiến cho lớp thảm thực vật bị suy giảm, mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, tác dụng giữ nước của đất rừng kém, làm gia tăng lũ lụt, sạt lở đất ở các khu vực trung du và miền núi. Điều đó thể hiện rất rõ ràng, trong khoảng ba năm trở lại đây, tình hình thời tiết đã bộc lộ tất cả các dạng hình thiên tai từ hạn hán, lũ lụt, bão lớn, bão xuất hiện tại các vùng ít có bão (từ Khánh Hòa trở vào), áp thấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay lũ cực lớn tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Trung trung bộ; sạt lở lớn tại miền núi phía Bắc, rét đậm rét hại...”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết.

Tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng

Mặc dù công tác chủ động ứng phó với thiên tai trong những năm qua đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, vẫn còn nhiều thách thức khi diễn biến thiên tai ngày càng gia tăng cả về cường độ và tính bất thường. Trong khi đó, nhận thức của một số bộ phận cộng đồng người dân còn hạn chế, bất cập, thiếu đồng đều. Công tác tuyên truyền, truyền thông vẫn đang tập trung nhiều trong giai đoạn ứng phó, thiếu liên tục và sự đa dạng về hình thức, quan tâm chưa cao tới các hoạt động nâng cao nhận thức cụ thể cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thấp trũng ven biển... Hệ thống thông tin tới cộng đồng còn chưa hoàn thiện, dễ bị tổn thương khi có thiên tai phức tạp xảy ra. Chính sách cụ thể để người dân, trong đó có các doanh nghiệp chủ động tham gia vào công tác phòng chống thiên tai còn thiếu và bất cập. Nguồn kinh phí cho công tác phòng ngừa thiên tai và hoạt động nâng cao nhận thức còn hạn chế. Hiện nay các cơ quan, tổ chức đã quan tâm bố trí nguồn lực, tuy vậy các hoạt động còn chưa thường xuyên và còn thiếu bền vững.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, trước những thách thức và yêu cầu mới trong công tác phòng chống thiên tai, trong thời gian tới cần tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng; nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, những người làm công tác phòng chống thiên tai, doanh nghiệp và người dân với phương châm “phòng ngừa là chính”. Đây là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế rủi ro từ thiên tai. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai; xác định các rủi ro thiên tai và giải pháp ứng phó phù hợp cho từng nhóm cộng đồng người dân và khu vực.

“Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương cần đa dạng hóa các hình thức, hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân. Theo đó, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, diễn tập, hội thảo, hội nghị, tọa đàm chia sẻ các bài học kinh nghiệm phòng chống thiên tai. Cùng với đó, triển khai tiếp thu, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ cho người dân xác định và đánh giá về các loại hình thiên tai, rủi ro thiên tai. Nghiên cứu thí điểm và tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tại cộng đồng, xây dựng và tăng sự tiếp cận sử dụng các bản đồ rủi ro thiên tai, bản đồ quy hoạch, sử dụng đất; thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức trong hệ thống trường học, các cơ sở đào tạo…”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Nói về vấn đề cải thiện kỹ năng ứng phó của người dân, Thứ trưởng Thắng cho rằng, nếu cộng đồng được nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thì sẽ giảm được rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, qua diễn biến các đợt thiên tai trong năm 2017, 2018 tại khu vực miền núi và thiệt hại của bão tại vùng ven biển Nam Trung bộ thì thấy rằng, cần phải khẩn trương hơn nữa rà soát các xã, các thôn bản đã và đang nguy cơ cao rủi ro thiên tai để chỉ đạo tổ chức triển khai.

Tiêp tục tực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp

Một là, Nâng cao năng lực về phòng chống thiên tai, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng cho cán bộ chính quyền các cấp, để từ đó triển khai đến tận cộng đồng người dân. Tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên, tập huấn viên, tuyên truyền viên đủ năng lực tại các cấp về phòng, chống thiên tai để tiếp tục đào tạo cán bộ tại từng địa phương; đưa nội dung phòng chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai vào kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân, chính quyền cấp cơ sở

Hai là, Tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho cộng đồng, trong đó có việc nâng cao năng lực cảnh báo sớm để người dân biết; triển khai tiếp thu, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ cho người dân trong việc nhân dạng, xác định rui ro thiên tai.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhất là chính sách về huy động nguồn tài chính, cơ chế, chính sách tạo điều kiện và huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp.

Bốn là, Tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án Nâng cao nhận thức và quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Quyết định 1002/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép vào các chương trình, dự án có liên quan vào các ngành chức năng để triển khai thực hiện tại các cấp địa phương, nhất là tại các địa bàn xã, thôn có nguy cao rủi ro thiên tai.

Thanh Hậu – Nam Trang

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-trong-phong-chong-thien-tai-d2057331.html