Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của du khách

Nhiều năm nay, rác thải túi ni lông, vỏ chai nhựa, đồ ăn bỏ đi, xác động vật… bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm, mất mỹ quan khiến du khách than phiền, thất vọng và ái ngại đến hoặc trở lại các điểm du lịch Việt Nam.

Du khách dọn rác ở đảo Lý Sơn

Du khách dọn rác ở đảo Lý Sơn

Từ thử thách dọn rác khi đi du lịch được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường vào tour du lịch để du khách vừa được khám phá vừa tham gia gìn giữ, làm sạch môi trường tại điểm đến.

Hoạt động này không những góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của du khách và người dân, mà còn khiến điểm đến thêm phần thu hút, gần gũi hơn trong mỗi chuyến đi.

Tour du lịch vớt rác

Loại hình tour du lịch dọn rác đã xuất hiện ở Hội An nhiều năm gần đây. Đơn cử, từ năm 2017, Công ty Du lịch Hội An Kayak đã hình thành và triển khai ý tưởng cho khách du lịch tự chèo thuyền kayak trên đoạn sông Hoài dài khoảng 8km từ xã Cẩm Thanh vào phố cổ Hội An và dùng vợt để vớt rác trên đoạn đường.

Đại diện công ty cho biết, tour du lịch đặc biệt này không nhằm mục đích kinh doanh, hoàn toàn miễn phí với du khách trong nước, tính phí 10 USD (khoảng hơn 200 nghìn đồng/người) với khách nước ngoài để trang trải chi phí tổ chức, vận hành phương tiện tập kết rác, xe vận chuyển thuyền chiều về.

Loại hình dịch vụ này thu hút được khá nhiều người tham gia, đặc biệt là du khách nước ngoài. Mỗi chuyến đi như vậy có thể thu được từ 3 – 5 tạ rác thải trên sông.

Một ví dụ gần đây hơn, Công ty TNHH Jack Tran Tours (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã quyết định đưa việc nhặt rác thành một hoạt động trong các tour của công ty từ đầu năm 2019, nhằm lan tỏa ý thức giữ gìn môi trường trong cộng đồng.

Theo phản hồi của các du khách tham gia tour này, vừa khám phá cảnh đẹp trong rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) bằng thuyền thúng vừa nhặt rác để đưa về nơi tập kết, phân loại khiến chuyến du lịch của họ trở nên có ý nghĩa hơn khi đóng góp được một phần cho môi trường địa phương.

Chia sẻ về vấn đề này với truyền thông, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng: “Cộng đồng doanh nghiệp Hội An trong những năm gần đây có trách nhiệm rất cao với môi trường. Đây đều là những anh, em trẻ có tinh thần nhiệt huyết, tâm huyết với phong trào. Ngoài ra, thành phố cũng kiên trì công tác vận động, thuyết phục, tuyên truyền những mô hình bảo vệ môi trường cụ thể để từ đó lan tỏa nhận thức cho người dân với các doanh nghiệp”.

Trên thực tế, mô hình tour du lịch dọn rác có thể đã xuất hiện từ rất lâu trước đây. Đơn cử, vào năm 2015, cộng đồng mạng đã rất hào hứng chia sẻ những hình ảnh đoàn du khách trong đồng phục màu xanh, đa phần là người trẻ, từ một công ty du lịch đi dọn rác tại các điểm Hang Câu, cổng Tò Vò, chùa Đục, chùa Hang… ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khiến chính người dân đảo còn thấy lạ lẫm.

Là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, theo thống kê cùng thời điểm này của huyện đảo Lý Sơn, mỗi ngày 22.000 người dân trên đảo và du khách thải ra khoảng 30 tấn rác. Dù trên đảo đã được đầu tư một nhà máy xử lý chất thải rắn với công suất khoảng 12 tấn rác/ngày nhưng vẫn chưa đủ, việc tiêu hủy rác thải chủ yếu vẫn là thu gom và đốt.

Thay đổi từ thói quen nhỏ nhất

Đến nay, các hoạt động du lịch có trách nhiệm, kết hợp thu gom, phân loại rác được hưởng ứng nhiều hơn từ cộng đồng du lịch trẻ, du khách người nước ngoài. Dù vậy, vấn nạn rác thải du lịch ở Việt Nam vẫn chưa bao giờ hết nhức nhối.

Quả thực, không gì dễ dàng hơn việc xả rác tại Việt Nam. Mỗi khi muốn vứt giấy, nhựa, vỏ hộp hay bất cứ thứ gì, người ta chỉ cần thả ngay ra đường hoặc vứt xuống sông, hồ gần nhất, nói tóm lại là “tiện đâu vứt đấy” mà không phải nhận bất cứ một hình phạt nào; nên họ mặc định coi đó là trách nhiệm của các nhân viên vệ sinh.

Trong khi xu hướng của các nước trên thế giới là hạn chế rác thải từ phía du khách, đặc biệt rác thải nhựa, gìn giữ môi trường cho các thế hệ đời sau. Việc này phải bắt đầu sửa đổi từ những thói quen nhỏ nhất, được quản lý bằng những chế tài nặng nhất có thể. Ví như, ở Pháp, tiền mua túi nilon đắt gấp nhiều lần túi bằng vật liệu thân thiện với môi trường.

Còn ở Hàn Quốc, hầu như từ các nhà nghỉ bình dân đến các khách sạn cao cấp đều không trang bị cho khách lưu trú bàn chải nhựa dùng một lần, các loại xà phòng, sữa tắm, dầu gội đều ưa chuộng vật liệu có thể tiêu hủy trong môi trường. Người nước ngoài tới xứ sở kim chi buộc phải trang bị cho mình kiến thức về Quy tắc vứt rác của người Hàn Quốc, sao cho đúng chỗ, đúng giờ, nếu không muốn bị trả lại rác, bị phạt tiền, hoặc bị người dân chỉ trích.

Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc (FAO) thống kê, năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số cạnh tranh du lịch của Việt Nam đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường.

Chính vì thế, không ngạc nhiên khi du lịch kết hợp với việc bảo vệ môi trường đã và đang trở thành xu hướng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Một số thay đổi nhỏ như thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước.

Các phòng họp, khách sạn cũng chuyển sang dùng cốc, chai thủy tinh để dùng nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre... Một số đơn vị du lịch đưa khách đi thám hiểm hang động Tú Làn, Sơn Đoòng…, hay đến bãi biển Nha Trang, đều yêu cầu khách dọn sạch rác hoặc mang rác đi trước khi trở về.

Những nỗ lực này nhằm lan tỏa một thông điệp chung: giữ gìn môi trường phải bắt đầu từ sửa đổi những thói quen nhỏ nhất từ tất cả mọi người. Đặc biệt đối với du khách, việc đi du lịch không chỉ đơn thuần là để tham quan hay thư giãn mà còn phải hướng tới những giá trị cho cộng đồng, cho xã hội.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/nang-cao-nhan-thuc-bao-ve-moi-truong-cua-du-khach-464516.html