Nâng cao nguồn lực lao động trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN

Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch, thành lập, phát triển 13 KCN; trong đó 5 khu đã đi vào hoạt động. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn 3 khu kinh tế cửa khẩu và 1 Khu kinh tế ven biển Vân Đồn; 6 cụm công nghiệp. Các KCN, khu kinh tế, cụm công nghiệp hiện đang thu hút hàng trăm dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Một phần diện tích của KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Ảnh: Mạnh Trường

Một phần diện tích của KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Ảnh: Mạnh Trường

Tính đến hết năm 2020, có 56 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN trên địa bàn. Do đó, nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) khá lớn. Để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp, công tác đào tạo nghề luôn được Quảng Ninh chú trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN.

Từ năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2018, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 140/2018/NQ, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND. Cùng với đó, hàng năm, UBND tỉnh đều phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghề. Các chính sách này đều được Sở LĐ-TB&XH, các địa phương, các trường tuyên truyền tích cực. Năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ 198 người theo chính sách khuyến khích về giáo dục nghề nghiệp với kinh phí 715 triệu đồng.

Về phía các địa phương, sở, ngành luôn tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh hoạt động, tuyển sinh, như: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề; thông báo chương trình tuyển sinh của các trường, xu hướng lựa chọn lao động của các doanh nghiệp; tư vấn tuyển sinh cho các trường THPT trên địa bàn...

Sinh viên thực hành sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn. Ảnh: Thu Trang

Các cơ sở cũng chủ động trong việc tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu của trường để thu hút học viên; chủ động áp dụng đa dạng các hình thức tuyển sinh như: Đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của đơn vị... Phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể tổ chức tuyển sinh và trực tiếp tuyên truyền tại các cuộc họp của thôn, bản, khu phố.

Đồng thời, các cơ sở này không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Năm 2020, có 978 lượt nhà giáo được đào tạo bồi dưỡng. Đến nay, các cơ sở này có gần 1.793 giáo viên cơ hữu và tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, số nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn đạt tỷ lệ từ 76% trở lên, tùy theo khối các trường. Việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy cũng được các cơ sở đào tạo nghề quan tâm. Năm 2020, các cơ sở đào tạo đã tiến hành xây dựng, biên soạn 130 chương trình, giáo trình; đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 238 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị hơn 91 tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức Hội thi tay nghề để tạo động lực thi đua cho các cơ sở GDNN. Hội thi tay nghề Quảng Ninh năm 2020 đã thu hút 70 thí sinh tham dự, qua đó 68 thí sinh đạt giải.

Các trường cũng chủ động phối hợp doanh nghiệp trong sơ tuyển ban đầu, đồng thời ký hợp đồng để tổ chức đào tạo và cung ứng cho các doanh nghiệp. Nhà trường có trách nhiệm giảng dạy lý thuyết, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn thực tập và cam kết đầu ra đối với học sinh, sinh viên; tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp; giới thiệu học sinh, sinh viên vào làm việc tại doanh nghiệp... Một số doanh nghiệp còn hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo nghề; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp...

Lao động làm việc tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà.

Nhờ đó, việc thu hút lao động tham gia học nghề của các cơ sở GDNN trên địa bàn đã có những chuyển biến. Năm 2020, các cơ sở này đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 37.625 người; trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 6.347 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 31.278 người. Theo các trường, trong 5 nhóm ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt, thì 3 nhóm thuộc về đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN, gồm: Nhóm Vận hành, nhóm nghề Điện nước - Sửa chữa - Cơ khí; nhóm nghề mỏ - hỗ trợ nghề mỏ. Tổng số học sinh, sinh viên và học viên tốt nghiệp năm 2020 là 34.509 người. Điều này đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2020 đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%.

Các cơ sở GDNN đã giới thiệu, cung ứng 20.693 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp (hợp đồng đào tạo) tổ chức đào tạo 2.863 lao động cho các doanh nghiệp. Phối hợp bồi dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 7.605 lao động của doanh nghiệp. Năm 2020, theo báo cáo của các đơn vị, số người học được giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp là 29.857 người, đạt 88,67% tổng số người học tốt nghiệp.

Trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương cũng chú trọng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, tăng số lượng lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Từ năm 2011 đến năm 2020, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đã triển khai được 1.090 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có tới 616 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp với khoảng 20.000 người học.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực lao động cho các KCN, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa tỉnh ngày càng phát triển giàu mạnh, bền vững.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202104/nang-cao-nguon-luc-lao-dong-trong-linh-vuc-cong-nghiep-ttcn-2527901/