Nâng cao năng lực xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP trong tình hình mới

35 tham luận được xây dựng công phu, sâu sắc, mang tính khoa học và thực tiễn cao đã làm rõ những vấn đề có tính chiến lược về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng BĐBP trong Hội thảo khoa học 'Nâng cao năng lực xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP trong tình hình mới', do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức ngày 29-10-2013 tại Hà Nội. Báo Biên phòng tổng lược những vấn đề then chốt được đề cập tại cuộc hội thảo quan trọng này.

Khẳng định vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP

Chủ trì hội thảo, Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh: Đứng trước các vấn đề có tính chiến lược về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng BĐBP chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, có chiều sâu, có tính khoa học và thực tiễn cao, để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức hội thảo chuyên đề về “Nâng cao năng lực xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP trong tình hình mới”, nhằm tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP theo Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 8/8/1995 và Thông báo số 165/TB-TW ngày 22/12/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các lực lượng và cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi biên giới trong công tác biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Quân Chính phát biểu tại hội thảo.

Tham gia vào vấn đề hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng BĐBP trong tình mới, Trung tướng Lương Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị: “Tiếp tục đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các Tỉnh ủy, Thành ủy đối với việc xây dựng lực lượng BĐBP và công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới (ANBG) quốc gia... Hệ thống tổ chức của BĐBP phải nằm trong tổng thể tổ chức quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, thông suốt, nhanh chóng và hiệu quả trong công tác biên phòng và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các ngành có liên quan và nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền biên phòng toàn dân vững mạnh”. Về vấn đề này, Đại tá Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) kiến nghị tính cấp thiết về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP, để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Đảm bảo BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Kim Thành, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng làm rõ thêm những nội dung then chốt về xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó: “Xây dựng BĐBP vững mạnh về tổ chức nhằm đảm bảo thực hiện tốt 3 chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở khu vực biên giới... Tổ chức của BĐBP tiếp tục duy trì theo hệ thống dọc, tập trung thống nhất với 3 cấp như hiện nay là đúng đắn và hợp lý, đáp ứng được nguyên tắc quản lý, bảo vệ biên giới tập trung, thống nhất, giải quyết các vấn đề xảy ra trên biên giới nhanh chóng, thông suốt, kịp thời, hiệu quả cao”.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng đề xuất: Trong thời bình, BĐBP trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố là lực lượng chủ đạo quản lý, bảo vệ biên giới, củng cố quốc phòng-an ninh, tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, ổn định đời sống nhân dân khu vực biên giới... Do đó, sử dụng BĐBP nói chung, BĐBP trong KVPT tỉnh, thành phố nói riêng phải phù hợp với tổ chức, biên chế, khả năng trang bị, mới phát huy được sức mạnh tổng hợp, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các tham luận của Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 7, nhất trí với đề xuất trên, đồng thời đánh giá cao công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa BĐBP với các Quân khu trong xây dựng các phương án, kế hoạch tác chiến, diễn tập, phòng thủ khu vực.

Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác biên phòng thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế, công tác đào tạo phải bám sát các nhu cầu của thực tiễn, Thiếu tướng Đoàn Quang Xuân, Phó Cục trưởng Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng đề nghị: BĐBP cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các yêu cầu chăm lo xây dựng tiềm lực chính trị vững mạnh cho lực lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung xây dựng đồn biên phòng chính quy, vững mạnh toàn diện, có vai trò vừa là đơn vị chiến đấu cơ sở, phòng thủ tuyến đầu, vừa là trung tâm văn hóa cụm dân cư biên giới, điểm giao lưu quốc tế.

Đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng trong công tác biên phòng

Một nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến tham luận là công tác phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, chủ quyền, ANBG. Nhiều giải pháp mới được đề xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp: Nắm tình hình, tổ chức lực lượng đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hoạt động xâm nhập của các tổ chức phản động lưu vong, tình báo gián điệp (Trung tướng Lưu Đức Huy, Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Quốc phòng); Quản lý, kiểm tra, giám sát xuất nhập cảnh người, phương tiện qua lại biên giới (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn); Giữ gìn an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc (Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân; Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển)...

Xây dựng nền biên phòng toàn dân trong tình hình mới

Đây là chủ đề xuyên suốt trong hầu hết các tham luận. Ghi nhận những thành tựu to lớn qua gần 25 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, các tham luận đánh giá: BĐBP luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện 4 cùng với dân, thường xuyên bám sát địa bàn giúp đỡ nhân dân nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa, cải thiện dân sinh, thực hành dân chủ, chăm lo người nghèo, bồi dưỡng giới trẻ, trọng người có uy tín; xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng được nhân dân gọi tên với tình cảm trìu mến: Cán bộ xã quân hàm xanh, thầy thuốc, thầy giáo quân hàm xanh, chiến sĩ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh, “kỹ sư” nông nghiệp quân hàm xanh. BĐBP đã chung tay cùng địa phương, các nhà hảo tâm ổn định đời sống cho các vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng 7.000 ngôi nhà “Mái ấm biên cương” và gần 300 công trình dân sinh, tổng trị giá 282 tỷ đồng; thực hiện bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở Nghệ An và tộc người La Hủ ở Lai Châu...

Để phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ biên giới, BĐBP đã báo cáo đề xuất Chính phủ ban hành quyết định tổ chức giao cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, ANBG, biển đảo quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý để nhân dân biên giới, biển đảo bảo đảm quyền và trách nhiệm của mình, theo phương châm “Người sản xuất cũng là người bảo vệ thành quả”. Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Minh, Giám đốc Học viện Chính trị cho rằng: “Trước hết, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn, sâu sắc, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, thấy rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP”. Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị BĐBP đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp nhân dân ngăn chặn các luồng văn hóa độc hại, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật, phát huy truyền thống yêu nước, tham gia cùng BĐBP xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, ANBG quốc gia.

Theo nhiều đại biểu, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc là một biện pháp then chốt để nâng cao năng lực xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia trong tình hình mới. Nhiều bài học kinh nghiệm, giải pháp thực hiện được đề cập trong các tham luận: Thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với Tỉnh ủy, Thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Khánh Nhân; Mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính; Đổi mới công tác vận động quần chúng, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện của Đại tá Hoàng Thọ Diêu, Phó Cục trưởng Cục Dân vận; BĐBP tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới của Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới, Chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh Hà Tĩnh...

Bên cạnh nhìn nhận đánh giá khách quan, động viên những mặt tích cực của BĐBP, các tham luận cũng chỉ ra những bất cập về công tác biên phòng và xây dựng BĐBP. Do lịch sử đường biên giới phức tạp, hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở chính trị nơi biên giới còn yếu và lạc hậu; hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức, biên chế còn bất cập, điều kiện cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật của BĐBP chưa đồng bộ, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trước tình hình an ninh trên biển và một số địa bàn trọng điểm khu vực biên giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt... để đảm bảo cho BĐBP luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với BĐBP phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kết luận Hội thảo, thay mặt Đảng ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung tướng Võ Trọng Việt đánh giá cao những tham luận tại hội thảo khoa học, đóng góp nhiều ý kiến quý báu, làm rõ các giải pháp nâng cao năng lực xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia trong tình hình mới. Đây là cơ hội tốt để BĐBP tiếp thu ý kiến trao đổi của các đại biểu để tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nâng cao sức chiến đấu, năng lực toàn diện, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, thực hiện tốt nhiệm vụ của lực lượng.

H.Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nang-cao-nang-luc-xay-dung-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-cua-bdbp-trong-tinh-hinh-moi-xpa/