Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu

Ngày 12-4, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại điểu của Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu xoài trong khu vực.

Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam năm 2020 đạt gần 181 triệu USD, phấn đấu đến năm 2025 đạt 400 triệu USD và 650 triệu USD vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn xoài Việt Nam đang được xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm gần 84%), xoài Việt Nam chưa tiếp cận được phân khúc thị trường hiện đại nhưng đây là phân khúc đạt giá trị lớn nhất và cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu vì chưa tuân thủ các yêu cầu của thị trường như: nhãn mác, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, tính liên tục trong cung ứng, thời gian bảo quản…

Xoài là một trong những nông sản chủ lực tại ĐBSCL

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích tổng quan chuỗi giá trị, tiềm năng xuất khẩu xoài tại ĐBSCL; các kết quả nghiên cứu và khuyến nghị về thị trường xuất khẩu; đề xuất biện pháp can thiệp, quy định thị trường đối với xoài xuất khẩu; chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu xoài vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU. Tại hội thảo, các đại biểu cũng ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án phát triển chuỗi trái cây tại ĐBCSL.Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của khu vực ĐBSCL, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 12.171ha xoài, với sản lượng hàng năm gần 124.000 tấn. Hội thảo lần này đã đánh giá tình hình thị trường xuất khẩu xoài, nhận định các vướng mắc, rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu tại thị trường quốc tế; phổ biến các yêu cầu, quy định của các thị trường nhập khẩu; nâng cao nhận thức của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở chế biến, đóng gói… Từ đó, khuyến nghị các giải pháp, chính sách, kế hoạch hành động; kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với các đơn vị cung cấp xoài. Các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thành công của ngành hàng xoài khu vực ĐBSCL.Bà Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam, cho biết UNIDO đang hợp tác chiến lược với Chính phủ Thụy Sĩ để triển khai Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) tại 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh thông qua tăng cường năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện tiếp cận thị trường. Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực là cải thiện hạ tầng chất lượng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn/chất lượng cho doanh nghiệp và các chủ thể tham gia chuỗi; nâng cao văn hóa chất lượng. Chương trình đã và đang tiến hành một số dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.

Ký kết thỏa thuận phối hợp thực hiện dự án phát triển chuỗi trái cây tại ĐBCSL.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết cả nước có 87.000ha xoài, trong đó ĐBSCL chiếm 48%, đây là yếu tố rất tốt để nâng chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu và lưu hành trong thị trường nội địa. Tuy nhiên cần phải khôi phục hệ thống HTX, bởi HTX kiểu mới hiện nay là mô hình thích hợp nhất để tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX còn là nơi quy tụ, hình thành vùng nguyên liệu lớn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. “Phải xác định được thị trường mục tiêu để phối hợp với doanh nghiệp, HTX xây dựng tiêu chuẩn phù hợp nhằm định hướng cho nông dân, đảm bảo hài hòa với các tiêu chuẩn, quy định, của quốc tế và Việt Nam nhằm giảm chi phí cho nông dân. Chú ý phát triển công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn, đây chính là yếu tố góp phần giải quyết tình trạng được mùa rớt giá” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nang-cao-nang-lu-c-tuan-thu-ca-c-quy-di-nh-doi-voi-xoa-i-xuat-khau-a132192.html