Nâng cao năng lực thiết kế: Giải pháp đột phá cho ngành thủ công mỹ nghệ

Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, việc tập trung xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động thiết kế có vai trò ngày càng quan trọng, nhất là trong thời điểm việc tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu luôn được quan tâm.

Năng lực thiết kế là yếu tố cốt lõi để nâng cao và xây dựng thương hiệu cho ngành thủ công mỹ nghệ. (Ảnh:Internet)

Thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành có tiềm năng xuất khẩu của nước ta với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 1,9 tỷ USD xuất khẩu sang hơn 160 quốc gia trên thế giới. Mặc dù chỉ chiếm 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đây là ngành có ý nghĩa xã hội rất lớn khi giải quyết hơn 11 triệu việc làm cho ngươi lao động trên cả nước.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới cùng với vô vàn những thách thức thì các mặt hàng sản xuất trong nước sẽ phải chịu sự cạnh tranh ngày càng cao. Cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng thì điều quan trọng là cần tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hóa của quốc gia khi sản xuất ra sản phẩm.

Tại hội thảo “Nâng cao giá trị thương hiệu ngành hàng thủ công mỹ nghệ thông qua năng lực thiết kế”, đại diện Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia (Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương) nhận định: “Sự khác biệt của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chính là dựa trên các yếu tố sản xuất bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm hàng thủ công, về chất lượng cũng như yếu tố giá thành”.

Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ thì việc tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng thông qua các hoạt động thiết kế đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là tại thời điểm này, trong tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu.

Thống nhất quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ và cho ngành thủ công mỹ nghệ, gắn kết với thương hiệu quốc gia Việt Nam; phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và của ngành thủ công mỹ nghệ,…

Bên cạnh đó, cần hình thành cơ chế chính sách và giải pháp phát triển thiết kế và thương hiệu của Việt Nam nhằm góp phần xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu ngành hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.

T.Tân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nang-cao-nang-luc-thiet-ke-giai-phap-dot-pha-cho-nganh-thu-cong-my-nghe/