Nâng cao năng lực sử dụng máy tính bảng cho cán bộ ngành lâm nghiệp trong công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng

Thực hiện Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng, thời gian qua Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng tổ chức tận dụng các nguồn lực để đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật sử dụng máy tính bảng trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Thường Xuân sử dụng máy tính bảng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn.

Điển hình là việc triển khai Dự án hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2 ở Việt Nam (sau đây viết tắt là FCPF-2) - một trong những dự án đã tích cực hỗ trợ triển khai chương trình này tại tỉnh Thanh Hóa và đã có những thành công và hiệu quả nhất định, được các cấp, các ngành ghi nhận.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có tài nguyên rừng lớn ở Việt Nam. Toàn tỉnh có 626.709 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 56,31% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 395.164 ha và rừng trồng là 231.545 ha. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã và đang được thực hiện tốt, chất lượng rừng ngày được nâng lên. Tuy nhiên, công tác cập nhật, theo dõi biến động rừng, đặc biệt là theo dõi chất lượng rừng đang còn nhiều hạn chế. Thực tế, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh phần lớn phân bố ở các vùng cao, địa hình đồi núi hiểm trở; bên cạnh đó, nguồn nhân lực thiếu kiến thức và kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc... đã gây khó khăn cho công tác cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn.

Để góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT, từ năm 2017 đến nay Ban Quản lý Dự án FCPF-2 đã hỗ trợ lực lượng kiểm lâm và các tổ chức là chủ rừng 130 máy tính bảng để thực hiện nhiệm vụ theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng. Trên cơ sở số lượng máy tính bảng được cấp, dự án đã hỗ trợ tập huấn cho 14 học viên từ nguồn tại chỗ của lực lượng kiểm lâm tỉnh; đồng thời hỗ trợ tổ chức 4 khóa tập huấn mở rộng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng kỹ thuật để sử dụng máy tính bảng trong theo dõi, đo đếm và cập nhật kịp thời, chính xác diện tích rừng có biến động, tổng hợp báo cáo số liệu theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh nói chung và tại từng đơn vị nói riêng cho cán bộ kiểm lâm và cán bộ của các chủ rừng là tổ chức. Lực lượng được tập huấn này sẽ trở thành các “giảng viên”, phổ biến kiến thức đã được tiếp thu đến lực lượng kiểm lâm trong tỉnh.

Thông qua các khóa tập huấn, học viên được trang bị kiến thức tổng quan về ứng dụng máy tính bảng, phương pháp, kỹ năng thu thập, xử lý số liệu tọa độ và chụp ảnh, báo cáo số liệu đã thu thập về biến động của rừng,... thông qua các chức năng định vị GPS và hệ thống kết nối giữa máy tính bảng về máy chủ. Đánh giá hiệu quả sau tập huấn cho thấy, 100% học viên đã nắm được kiến thức về máy tính bảng ở mức độ từ cơ bản đến thành thạo. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn tại chỗ cũng giúp các đơn vị chủ động hơn về nguồn nhân lực kỹ thuật trong công tác đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật sử dụng máy tính bảng. Đây là một phương pháp được đánh giá rất hiệu quả trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, ưu điểm của phương pháp này so với các phương pháp truyền thống là khả năng cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác, có tính minh bạch cao, tiết kiệm chi phí, nhân lực thực hiện, các đơn vị quản lý sẽ phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong rừng như cháy rừng, phá rừng, biến động diện tích do các nguyên nhân khác,... để có những can thiệp kịp thời, hiệu quả. Việc đội ngũ cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa tập huấn được trang bị kiến thức tốt sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc hoàn thành nhiệm vụ quản lý rừng và đất lâm nghiệp của các đơn vị quản lý Nhà nước và các chủ rừng. Đặc biệt, trong bối cảnh Thanh Hóa đã đăng ký tham gia thực hiện Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2025 (sau đây gọi là đề án), trong đó có hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên hiện có và phục hồi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên chiếm 96% diện tích đăng ký. Do đó, việc áp dụng hiệu quả máy tính bảng trong giám sát diễn biến tài nguyên rừng sẽ góp phần khẳng định, đánh giá chính xác kết quả thực hiện đề án của tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả ban đầu, việc triển khai áp dụng máy tính bảng trong theo dõi diễn biến rừng tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế và khó khăn. Nguyên nhân là do đây là phương pháp khá mới, nhiều cán bộ kỹ thuật lần đầu tiên sử dụng máy tính bảng nên cần có thời gian để làm quen và nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng. Bên cạnh đó, máy tính bảng đang sử dụng tại các đơn vị có độ phân giải màn hình thấp, cấu hình máy thấp, rất khó nhìn khi tác nghiệp ngoài trời, tính năng định vị chưa hiệu quả, nhất là khi thời tiết hoặc địa hình tác nghiệp không thuận lợi, do đó việc khoanh vẽ lô rừng có biến động gặp nhiều khó khăn. Phần mềm sử dụng cho máy tính bảng (FRMS Mobile) hay bị lỗi, trong khi cập nhật hoặc nâng cấp để sửa lỗi vẫn phải thực hiện thủ công, rất bất tiện trong quá trình sử dụng, việc thông tin đến người dùng các bản cập nhật mới của cơ quan quản lý chưa tốt, người dùng phải tự tìm trên mạng xã hội để cập nhật. Ngoài ra, số lượng máy tính bảng của các đơn vị được trang bị còn rất ít, do đó chưa thực hiện đồng bộ việc cập nhật biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên máy tính bảng.

Để máy tính bảng là công cụ hỗ trợ thiết thực hiệu quả và phổ biến trong quản lý rừng bền vững, ngoài nỗ lực tự học hỏi nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, các đơn vị, đặc biệt là các chủ rừng Nhà nước cần đưa kế hoạch đào tạo cán bộ vào nhiệm vụ chính trị hàng năm. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng là tổ chức cần sớm xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, đủ năng lực để đáp ứng được các yêu cầu công việc thực tế, có các nguồn lực về tài chính đầu tư máy tính bảng và các thiết bị, các ứng dụng phù hợp, hiện đại cấp cho các đơn vị.

Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-cao-nang-luc-su-dung-may-tinh-bang-cho-can-bo-nganh-lam-nghiep-trong-cong-tac-theo-doi-dien-bien-tai-nguyen-rung/109038.htm