Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh

Ngày 22/7, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Chương trình Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị dành cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã thuộc tỉnh và cán bộ quy hoạch chức danh này. Khóa đào tạo thuộc Đề án của Chính phủ về 'Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp' (gọi tắt là Đề án 1961) do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) - Bộ Xây dựng được giao tổ chức.

Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC phát biểu khai giảng khóa học.

Đến tham dự Khóa đào tạo có ông Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án, các chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng cùng các học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã các tỉnh như: TP Nam Định – tỉnh Nam Định; TP Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng; TP Vĩnh Long - tỉnh Vĩnh Long; TP Vũng Tàu – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; TP Rạch Giá – tỉnh Kiên Giang; TP Bến Tre – tỉnh Bến Tre; TP Cà Mau – tỉnh Cà Mau; TP Sa Đéc – tỉnh Đồng Tháp; TX Sông Cầu – tỉnh Phú Yên; TX Dĩ An, Thuận An – tỉnh Bình Dương, TX Phước Long - tỉnh Bình Phước; TX Mường Lay – tỉnh Điện Biên; TX Buôn Hồ – tỉnh Đắc Lắc; TX Đông Triều - tỉnh Quảng Ninh, TX Đồng Hới – tỉnh Quảng Bình…

Phát biểu khai giảng khóa học, ông Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC nhấn mạnh: Theo yêu cầu quản lý xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị. Thực hiện Đề án 1961, Học viện được Bộ Xây dựng giao làm đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Học viện đã tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng cho 8 đối tượng bao gồm từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; cán bộ lãnh đạo, chuyên môn thuộc cấp sở, cấp huyện đến công chức cấp xã. Học viện hiện đang thực hiện chuẩn bị các điều kiện để khi kết thúc Đề án vào năm 2020 Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ nghiên cứu phối hợp ban hành tiêu chuẩn chức danh cho đội ngũ lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp và chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm – theo Nghị định 101/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.

Để chất lượng các khóa học theo Đề án 1961 đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của các công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp, Ban chỉ đạo Đề án và Học viện đặc biệt chú trọng vào công tác chuẩn bị chương trình, tài liệu; mời giảng viên là các chuyên gia trong và ngoài nước có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị; tổ chức hình thức học tập theo phương pháp tích cực... Các khóa đào tạo đã nhận được sự đánh giá cao của học viên. Qua các ý kiến đóng góp của học viên sau khi kết thúc các khóa học bằng hình thức lấy phiếu đánh giá hoặc phỏng vấn trực tiếp có: 90% học viên hài lòng với chất lượng giảng dạy, 92% học viên đánh giá cao về nội dung chương trình và tài liệu, 96% học viên đánh giá cao sự cần thiết tổ chức khóa học.

Năm 29019 và thời gian tới, công tác đào tạo bồi dưỡng theo Đề án 1961 sẽ được triển khai với các chương trình đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao năng lực quản lý xây dựng và đô thị cho chính quyền đô thị các cấp về: Tăng trưởng xanh, quy hoạch kiến trúc, quản lý trật rự xây dựng đô thị, quản lý dự án, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản,...

Khóa đào tạo về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 (Đối tượng 2) diễn ra từ 22 - 25/7với những kiến thức và trao đổi xung quanh các chuyên đề như: Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; Quản lý hạ tầng kỹ thuật; Quản lý rủi ro thiên tai; Kỹ năng triển khai quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; Nguồn lực và vốn cho phát triển đô thị theo quy hoạch; Quản lý trật tự xây dựng đô thị; Quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản; Trao đổi kinh nghiệm quản lý phát triển đô thị.

Toàn cảnh khóa đào tạo.

Đề cập đến bài học thành công từ các đô thị tiên tiến, nghiên cứu tình huống thực tế về đô thị và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế là một trong những vấn đề xâu chuỗi, nội dung trọng tâm tại khóa học. Điều được mong đợi tại khóa học lần này đó chính là sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Với đối tượng học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và cán bộ quy hoạch cho chức danh này - những nhà lãnh đạo các đô thị hiện tại và tương lai, khóa học sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, trang bị những nền tảng kiến thức tốt nhất giúp cho các nhà quản lý vận hành, quản lý đô thị hiệu quả hơn; một mặt đưa đô thị Việt Nam phát triển thành các đô thị tiên tiến, văn minh, phục vụ tốt đời sống nhân dân, mặt khác việc quản lý tốt cũng sẽ có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như mang lại những hiệu quả bền vững cho địa phương, đất nước.

Hiện nay, tính đến tháng 3/2019 cả nước có khoảng 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 38,6%. Đề án 1961 với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước. Đến nay, Đề án đã đào tạo được gần 400 lớp với hơn 10.000 lượt học viên. Đề án đã đáp ứng được tính cấp thiết và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Nguyên Hương

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nang-cao-nang-luc-quan-ly-xay-dung-va-phat-trien-do-thi-cho-chu-tich-va-pho-chu-tich-ubnd-thanh-pho-thi-xa-truc-thuoc-tinh-258984.html