Nâng cao năng lực quản lý xây dựng, phát triển đô thị cho lãnh đạo địa phương

Việc phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng với mức độ đô thị hóa đang ngày càng gia tăng đòi hỏi nhân lực tham gia quản lý lĩnh vực này tại các địa phương cần phải nâng cao hơn nữa năng lực quản lý xây dựng, phát triển đô thị.

Ảnh: VGP/Minh Trang

Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngày 3/12, tại Đà Nẵng, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức Chương trình đào tạo về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 dành cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và cán bộ quy hoạch cho chức danh này trên cả nước.

Theo TS. Phạm Văn Bộ, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diện mạo đô thị và nông thôn Việt Nam ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đô thị Việt Nam còn một số tồn tại như xây dựng không phép, trái phép vẫn diễn ra; việc công khai, công bố quy hoạch đã được phê duyệt nhiều nơi chưa thực hiện triệt để, vẫn còn sai phạm; xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, hình thù kỳ dị…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại nêu trên là do chất lượng nguồn nhân lực tham gia quản lý tại các địa phương còn hạn chế. Trên thực tế, nhiều nơi, bộ máy quản lý của chính quyền đô thị các cấp hoạt động kém hiệu quả. Mặc dù đã qua nhiều lần kiện toàn, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, nhưng việc buông lỏng công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng vẫn xảy ra.

Yêu cầu quản lý xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị. Ngày 25/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” (Đề án 1961), với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước.

Đề án 1961 tiếp tục triển khai đến đối tượng là chủ tịch, phó Chủ tịch UBND các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và cán bộ quy hoạch cho chức danh này trên cả nước.

Chương trình bao gồm các chuyên đề như: Cạnh tranh đô thị và đầu tư phát triển đô thị, đô thị hóa và định hướng phát triển đô thị quốc gia, quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố, thị xã, quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, thị xã thuộc tỉnh, quản lý không gian kiến trúc và bảo tồn di sản trên địa bàn thành phố, thị xã thuộc tỉnh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Chương trình cũng đã đề cập đến bài học thành công từ các đô thị tiên tiến, nghiên cứu tình huống về đô thị và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế.

Chương trình được kỳ vọng sẽ trang bị những nền tảng kiến thức tốt nhất giúp cho các nhà quản lý vận hành, quản lý đô thị hiệu quả hơn, một mặt đưa đô thị Việt Nam phát triển thành các đô thị tiên tiến, văn minh, phục vụ tốt đời sống nhân dân, mặt khác việc quản lý tốt cũng sẽ có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như mang lại những hiệu quả to lớn, bền vững cho địa phương, đất nước.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/nang-cao-nang-luc-quan-ly-xay-dung-phat-trien-do-thi-cho-lanh-dao-dia-phuong/416006.vgp