Nâng cao năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật

Nếu như trước kia, ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, người dân chưa tiếp cận kịp thời với những chủ trương, chính sách pháp luật mới, thì những năm trở lại đây đã khác, mọi văn bản, chính sách mới đều được cập nhật đến các thôn, bản, khu phố một cách kịp thời, giúp người dân thụ hưởng và chấp hành tốt các quy định pháp luật của Nhà nước.

Sở Tư pháp tập huấn kiến thức và nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã năm 2019. Ảnh: Đỗ Thanh Hải (Sở Tư pháp)

Sở Tư pháp tập huấn kiến thức và nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã năm 2019. Ảnh: Đỗ Thanh Hải (Sở Tư pháp)

Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư TW Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”; với việc triển thực hiện mạnh mẽ chỉ thị này của tỉnh Quảng Ninh, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn đã có bước chuyển tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, nghiêm túc thực hiện việc đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như: Hiến pháp năm 1992, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai.

Đồng thời các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã xây dựng, triển khai hiệu quả các tiểu đề án mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, như: Đề án Tiếp tục tăng cường công tác giải quyết KNTC ở xã, phường thị trấn giai đoạn 2013-2016; đề án Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013- 2016, thực hiện đến năm 2021; đề án Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012- 2016, thực hiện đến năm 2021...

Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, như: Thường xuyên kiện toàn các thành viên hội đồng; tăng cường kiểm tra công tác PBGDPL; nâng cao chất lượng hoạt động cả tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, tổ hòa giải và hòa giải viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 148 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 359 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.140 tuyên truyền viên cấp xã và 8.945 hòa giải viên cấp cơ sở. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu công việc đặt ra. Từ năm 2003 đến nay, Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra 89 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Học sinh Trường THPT Cửa Ông (TP Cẩm Phả) tìm hiểu về luật giao thông thông qua hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Diên Khánh

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã bám sát mục tiêu, yêu cầu đề ra, cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của từng nhóm đối tượng. Hình thức, biện pháp tuyên truyền có nhiều đổi mới, phù hợp, thiết thực đối với các tầng lớp nhân dân. Các nội dung tuyên truyền PBGDPL bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế... Trong đó đáng chú ý như: Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Khiếu nại, tố cáo...

Các hình thức tuyên truyền cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn, như: Tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm... hay tuyên truyền bằng hình thức tìm hiểu pháp luật, như: Tổ chức các cuộc thi viết, sân khấu hoa, thi hòa giải viên giỏi... Được biết, từ năm 2003 đến nay, các cấp, các ngành, đoàn thể đã tổ chức trên 90.600 cuộc tuyên truyền PBDGPL trực tiếp, thu hút gần 6,38 triệu lượt người tham dự; tổ chức 2.542 cuộc thi với hơn 1,655 triệu lượt người dự.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương, đoàn thể còn chú trọng PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua xét xử lưu động hay phát tài liệu, tờ rơi tuyên truyền, qua các buổi hòa giải tại cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý... Một số địa phương, đơn vị còn chủ động xây dựng mô hình tuyên truyền PBGDPL có hiệu quả như: Kể chuyện án treo; Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật; Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật; Cựu chiến binh gương mẫu làm theo pháp luật; Chi đoàn không có đoàn viên vi phạm pháp luật; Cổng trường thanh niên tự quản, xanh, sạch, đẹp và trật tự an toàn giao thông...

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL, thực hiện tốt Chỉ thị 32-CT/TW năm 2003 của Ban Bí thư TW Đảng khóa IX đã góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước, trong xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên rõ dệt, hình thành tâm lý chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cầm Khuê

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/nang-cao-nang-luc-pho-bien-giao-duc-phap-luat-2453798/