Nâng cao năng lực nhận diện hàng hóa đối với mặt hàng gỗ

Ngày 20/10, tại Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương phối hợp tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực nhận diện hàng hóa đối với mặt hàng gỗ.

Ông Hoàng Đình Trung, Phó vụ trưởng, Phó ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ tại hội thảo. Ảnh T.D

Ông Hoàng Đình Trung, Phó vụ trưởng, Phó ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ tại hội thảo. Ảnh T.D

Tại hội thảo, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, trong 9 tháng năm 2020, mặc dù trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành gỗ vẫn tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, với tổng kim ngạch đạt 8,48 tỷ USD.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/8/2020, hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng thực thi EVFTA sẽ giúp ngành mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại các nước trong khối EU.

EVFTA đối với ngành gỗ sẽ là bài toán hướng đến dài hạn như tiếp cận máy móc, công nghệ hiện đại của EU, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, phòng vệ thương mại, cải cách thể chế, tăng cường thực thi sở hữu trí tuệ, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin minh bạch và thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Một điểm đáng chú ý trong ngành gỗ và các sản phẩm gỗ là ngày 1/9/2020, Thủ tướng Chính phú đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam. Đây là cơ sở để tăng việc đảm báo tính pháp lý của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Quy định này sẽ khiến đồ gỗ của Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Ngoài ra, thực thi Nghị định 102 giúp ngành gỗ giảm nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp. Có thể nói Nghị định 102 là hành lang pháp lý chuẩn mực cho ngành gỗ khi tham gia vào thị trường thế giới, đồng thời quy định việc xuất nhập khẩu gỗ đảm bảo hợp pháp dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan.

Đại diện doanh nghiệp gỗ nêu vướng mắc tại hội nghị. Ảnh T.D

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành này trong năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Sự khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ sẽ dẫn đến sự cạnh tranh cả nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu lẫn nguồn cung nguyên liệu từ thị trường trong nước.

Đặc biệt, thách thức lớn mà ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ phải đối mặt là dòng vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh sẽ dẫn đến mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam có thể phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan Thương mại Mỹ khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.

Do đó, nhằm giúp doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và sản xuất Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng tận dụng tốt cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Hoàng Đình Trung, Phó vụ trưởng, Phó ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thông qua hội thảo này, từ những chia sẻ của hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan Hải quan hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, đặc tính sản phẩm giúp việc quản lý, đồng hành và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ.

Ông Nguyễn Mạnh Vũ, Phó phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, Bình Dương hiện là địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu gỗ với kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ chiếm khoảng hơn 55% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, để nâng cao tính cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường thế giới khi các hiệp định được thực thi, các doanh nghiệp gỗ cần tuân thủ các quy định như nhãn hàng hóa.

Theo thống kê của Cục Hải quan Bình Dương, hiện có hơn 50% doanh nghiệp thực hiện gia công sản xuất xuất khẩu cho các doanh nghiệp đối tác nước ngoài không có giấy tờ chứng minh chủ sở hữu hay ủy quyền sử hữu sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, cũng như quy định về việc dán mã vạch hàng hóa.

Tại hội nghị, cơ quan Hải quan cũng đã cảnh báo tới doanh nghiệp về những hành vi lợi dụng đầu tư hợp tác để gian lận xuất xứ, đồng thời giải đáp thỏa đáng nhiều vướng mắc về phân loại hàng hóa, các thủ tục liên quan đến việc thực thi Nghị định 102...

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nang-cao-nang-luc-nhan-dien-hang-hoa-doi-voi-mat-hang-go-135443.html