Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, trong đó tập trung đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; tăng cường tiềm lực KH&CN; phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên; phát triển dịch vụ KH&CN...

Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thăm mô hình dự án khoa học và công nghệ tại xã Thành Vân (Thạch Thành).

Qua thực hiện chiến lược phát triển KH&CN, từ năm 2011 đến tháng 12-2019, tỉnh ta đã ban hành 45 nghị quyết, quyết định, chương trình, đề án, dự án... trong lĩnh vực KH&CN, qua đó đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động phát triển KH&CN, nâng cao hiệu quả công tác quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Bám sát nội dung chiến lược phát triển KH&CN, cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, UBND tỉnh đã tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Năm 2019 chi đầu tư từ ngân sách cho KH&CN là 140,942 tỷ đồng, trong đó chi sự nghiệp khoa học 115,497 tỷ đồng (cao gấp 2,3 lần Trung ương phân bổ); chi đầu tư phát triển KH&CN 23,545 tỷ đồng. Đặc biệt, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND, ngày 7-12-2017 của HĐND về chính sách khuyến khích phát triển KH&CN đến năm 2020, năm 2019, tỉnh đã bố trí 55 tỷ đồng và được ghi thành mục riêng trong dự toán chi ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách. Đến nay, đã tiếp nhận 46 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trong đó 31 hồ sơ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, với tổng kinh phí hỗ trợ 35,927 tỷ đồng (đạt 65,3%) thuộc các nhóm chính sách về: Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị; đổi mới công nghệ - thiết bị; ứng dụng công nghệ cao trong đánh bắt hải sản xa bờ; trồng sản xuất thử giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp KH&CN đã không sử dụng ngân sách Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN mà đã đẩy mạnh nguồn xã hội hóa trong hoạt động nghiên cứu KH&CN. Trong đó, một số doanh nghiệp đã tham gia các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia như: Công nghệ sản xuất phân bón của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông; công nghệ sản xuất bóng của Công ty Delta.

Cùng với tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước cho KH&CN, đồng thời huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN. Do vậy, việc sử dụng ngân sách cho KH&CN trong những năm qua được thực hiện theo đúng quy định, trong đó đối với kinh phí sự nghiệp khoa học được bố trí đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức Trung ương phân bổ. Đối với kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN, tỉnh bố trí theo tình hình thực tế của ngân sách trên địa bàn và hỗ trợ của Trung ương.

Có thể khẳng định, với việc ban hành và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút phát triển KH&CN của tỉnh, các chương trình đề án phát triển KH&CN và thị trường KH&CN bước đầu hình thành và phát triển. Năm 2019 toàn tỉnh đã triển khai 173 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 7 nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia. Các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương tiếp nhận, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất các sản phẩm như mô hình sản xuất lúa, gạo an toàn bền vững; sản xuất mía, cam, hoa, cây cảnh... Cùng với đó, hệ thống doanh nghiệp KH&CN đã được hình thành và phát triển nhanh. Một số tổ chức KH&CN đã thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN thông qua các hợp đồng chuyển giao (bán) quyền đối với các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu KH&CN trong thời gian qua có tính ứng dụng vào thực tiễn cao, trong đó từ năm 2016 với việc thực hiện cơ chế đặt hàng, kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ KH&CN đã được các đơn vị đề xuất đặt hàng ứng dụng vào sản xuất. Trong đó Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp đã chuyển giao 3 giống lúa (Thuần Việt 7 trị giá 250 triệu đồng, Thuần Việt 1 trị giá 350 triệu đồng và Thuần Việt 2 trị giá 300 triệu đồng); Trường Đại học Hồng Đức chuyển giao giống lúa Hồng Đức 9 trị giá 250 triệu đồng.

Bài và ảnh: Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nang-cao-nang-luc-nghien-cuu-ung-dung-va-nbsp-chuyen-giao-cac-tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat/114517.htm