Nâng cao năng lực nghiên cứu: Thách thức không nhỏ

Thời gian qua, các viện nghiên cứu ngành Công Thương đã có nhiều thành quả và đóng góp lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nước nhà. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, các đơn vị còn gặp không ít khó khăn.

Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), nhiều viện nghiên cứu ngành Công Thương dù đã được đầu tư tương đối bài bản, nhưng do thời gian đầu tư xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp; hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu tại nhiều cơ sở đã lạc hậu, chỉ đủ phục vụ nghiên cứu cơ bản; hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, đòi hỏi máy móc, trang thiết bị thế hệ mới còn hạn chế, phải đi thuê ngoài. Bên cạnh đó, việc giảm cán bộ nghiên cứu trình độ cao tại một số viện những năm gần đây đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức về đội ngũ kế cận, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đơn vị đang phải đối mặt với việc tự chủ về kinh phí. Ngoài ra, một số viện nghiên cứu gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, cũng như triển khai hoạt động dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị nghiên cứu

Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị nghiên cứu

Sự phối hợp giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp còn chưa tốt. Nhiều nội dung nghiên cứu hình thành từ nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng khi các viện tổ chức nghiên cứu thành công vẫn khó thuyết phục được doanh nghiệp đầu tư áp dụng hoặc chuyển giao. Nguyên nhân của vấn đề này, là chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong thực hiện các đề tài nghiên cứu sử dụng kinh phí của nhà nước. Lý do khác, chưa có cơ chế chặt chẽ trong việc ràng buộc trách nhiệm đổi mới, cải tiến công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với chủ các doanh nghiệp nhà nước.

Các viện cũng gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng và hình thành nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Nguồn vốn lưu động thấp, khả năng huy động hạn chế, lãi suất ngân hàng cao là những thách thức với các viện trong triển khai hoạt động sản xuất, dịch vụ về KH&CN. Các viện hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không thể sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn thực hiện các hợp đồng kinh tế lớn.

Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện các cơ chế theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập; cơ chế giao, quản lý đất và tài sản, huy động vốn, chính sách miễn giảm thuế khi sản xuất thử…; đồng thời, nghiên cứu ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với phương thức giao nhiệm vụ KH&CN và nội dung chi hỗ trợ phát triển KH&CN cho các viện trực thuộc những tập đoàn, tổng công ty từ Quỹ Phát triển KH&CN.Cùng với đó, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành các cơ chế thúc đẩy có hiệu quả sự phối hợp giữa viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp; tạo điều kiện để các viện sau chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn được đăng ký kinh doanh theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu. Vì thực chất sau chuyển đổi, các viện vẫn thực hiện hoạt động nghiên cứu là chính, hoạt động sản xuất chỉ mang tính thử nghiệm, quy mô nhỏ; xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức KH&CN từ ngân sách nhà nước theo nhu cầu phát triển KH&CN, không phân biệt tổ chức nghiên cứu trực thuộc bộ hay trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty…

Để nâng cao năng lực KH&CN cho các viện nghiên cứu, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 6 - 9 phòng thí nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại, đạt trình độ khu vực và thế giới.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-nang-luc-nghien-cuu-thach-thuc-khong-nho-137860.html