Nâng cao năng lực hệ thống nhà chờ, điểm dừng xe buýt

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt tại khu vực nội thành theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là tìm các giải pháp phù hợp để đầu tư hơn 300 nhà chờ tại khu vực ngoại thành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận của hành khách, nâng tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Điểm trung chuyển Long Biên. Ảnh: Đỗ Tâm

Cự ly nhà chờ, điểm dừng khá hợp lý nhưng chưa tiện lợi

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), toàn thành phố hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt, phục vụ cho hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt. Trong đó, khu vực nội thành có 1.152 điểm (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 630m, mật độ 3,8 điểm/km2). Tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80%. Một số khu vực người dân tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ trên 500m do hệ thống đường giao thông có mặt cắt nhỏ không thể tổ chức dịch vụ xe buýt.

Tại khu vực ngoại thành có 2.661 điểm dừng (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 900m, mật độ 0,8 điểm/km2). Các điểm dừng chủ yếu bố trí trên các đường trục chính, quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện. Tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt cự ly dưới 500m đạt khoảng 30%.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Thái Hồ Phương đánh giá, việc kết nối giữa các tuyến buýt hiện nay khá tốt. Hành khách dễ dàng chuyển tuyến với cự ly đi bộ ngắn (khoảng 200m). Tuy nhiên, sự kết nối giữa xe buýt với các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội (đang trong quá trình xây dựng) chưa hợp lý, khoảng cách giữa nhà ga và điểm dừng xe buýt khá xa, không thuận lợi cho việc trung chuyển của hành khách. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông có 8/12 nhà ga cách điểm dừng xe buýt hiện tại từ 350m đến 500m; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội có 9/12 nhà ga cách điểm dừng xe buýt hiện tại từ 350m đến 500m.

Theo báo cáo khảo sát thực trạng tiếp cận và kết nối xe buýt tại 6 bến xe, 6 điểm trung chuyển và 331 điểm dừng đỗ xe buýt, với 2.000 hành khách cho thấy, chỉ có 5,59% hành khách đánh giá hệ thống điểm dừng xe buýt chưa hợp lý, chủ yếu do nằm xa các ngõ, nút giao thông.

Thường xuyên sử dụng xe buýt để đi học, Phạm Phương Thùy, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết em chỉ mất khoảng 5 phút đi bộ từ nhà tới điểm dừng trên đường Tố Hữu để đón xe buýt và cũng chỉ mất khoảng 7 - 10 phút đi bộ từ điểm dừng trên đường Lê Văn Lương kéo dài để đến trường học ở đường Hoàng Minh Giám (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Tuy nhiên, không phải điểm dừng nào cũng có nhà chờ nên hành khách rất vất vả vào những lúc mưa, nắng, thời tiết khắc nghiệt.

Theo chuyên gia giao thông Thạch Minh Quân (giảng viên Trường Đại học Giao thông - Vận tải), qua khảo sát, hiện mới chỉ có 11% điểm dừng có nhà chờ. Các nhà chờ hiện nay (trừ nhà chờ của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa) không có hệ thống chiếu sáng, camera giám sát an ninh, còi báo động và các tiện ích bổ sung khác. Không gian đứng đợi tại nhiều điểm dừng, nhà chờ thường xuyên bị lấn chiếm gây bất tiện cho hành khách cũng như mất an toàn. Cột biển báo và nhà chờ còn bị bôi bẩn và dán quảng cáo nhiều. Từ những vấn đề này, ông Thạch Minh Quân khuyến nghị: Thành phố cần nghiên cứu xây dựng các nhà chờ kiểu mẫu và lên kế hoạch trang bị nhà chờ cho các điểm dừng có thể bố trí được nhà chờ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn cho hành khách.

Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển

Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị cho biết, Thành phố đang nỗ lực phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, qua đó hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong đó, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư mạng lưới nhà chờ, điểm trung chuyển xe buýt là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Ngày 18-11-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6662/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư 600 nhà chờ xe buýt (trong đó có 235 nhà chờ lắp đặt mới; thay thế 365 nhà chờ hiện có theo lộ trình) và 1.200 biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận theo hình thức đối tác công - tư. Theo đó, Thành phố huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống nhà chờ xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt...

Về cơ chế, chính sách đối với khu vực nội thành được triển khai theo hướng khuyến khích nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm. Còn với khu vực ngoại thành, trong năm 2019, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã cùng UBND các huyện, thị xã khảo sát, lên kế hoạch lắp đặt hơn 300 nhà chờ. Sau đó, UBND thành phố đã giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu lập dự án đầu tư nhà chờ xe buýt và quản lý sau đầu tư.

Thực hiện nhiệm vụ này, Transerco đang tổ chức mời gọi các doanh nghiệp tham gia hợp tác đầu tư xây dựng nhà chờ xe buýt trên các tuyến đường đủ điều kiện thuộc địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội và thị xã Sơn Tây. Theo Phó Tổng giám đốc Transerco Ngô Xuân Phú, các nhà chờ phải thân thiện, sử dụng vật liệu có độ bền cao, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu trong khu vực, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; có hệ thống nguồn điện năng lượng mặt trời trên mái và pin lưu trữ phục vụ chiếu sáng khu vực nhà chờ và quảng cáo tại nhà chờ...

Về phương án tài chính, nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí để đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ các hạng mục công trình. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép kinh doanh quảng cáo trên các nhà chờ đã đầu tư (ngoại trừ phần diện tích phục vụ thông tin hoạt động xe buýt).

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, nhằm nâng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng, Trung tâm đang hoàn thiện đề án rà soát, bố trí các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển nhằm tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác cũng như giữa các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Với đề xuất của Trung tâm, Thành phố sẽ nghiên cứu bổ sung khoảng 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, bố trí lại các điểm dừng tiếp cận gần với các khu dân cư, các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).

Ngoài ra, các bên liên quan sẽ nghiên cứu bố trí các điểm dừng xe buýt gần các nút giao thông để giảm tối đa quãng đường đi bộ trung chuyển giữa các tuyến buýt; phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt, nâng tổng số điểm trung chuyển lên 21 điểm. Trong đó, 5 điểm trung chuyển kết nối trực tiếp xe buýt với các nhà ga lớn của đường sắt đô thị, cho phép xe buýt hoạt động với tần suất cao, đa dạng về hướng tuyến; 10 điểm trung chuyển phục vụ kết nối nội mạng tại các vị trí thuận lợi cho việc tái cấu trúc mạng lưới, phân tách các tuyến buýt nội thành, ngoại thành..., từ đó hình thành mạng lưới vận tải công cộng có cấu trúc dựa trên các điểm trung chuyển thay vì cung cấp các dịch vụ kết nối trực tiếp với cự ly dài; tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để hành khách có thể tiếp cận các khu vực nằm trong các phố, ngõ nhỏ. Qua tính toán, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 1,4 triệu người được tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ dưới 500m và nhiều người khác có thêm giải pháp kết nối với phương tiện công cộng bằng xe máy, xe đạp công cộng để tối ưu hóa chi phí, thời gian đi lại.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/981062/nang-cao-nang-luc-he-thong-nha-cho-diem-dung-xe-buyt