Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở

Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm kiện toàn, nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, qua đó góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.

Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”. Thực hiện quyết định này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1426/KH-UBND ngày 24/7/2024 về việc triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh rà soát, kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả như mục tiêu của đề án. UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã chỉ đạo rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ hòa giải, bảo đảm đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; xây dựng đội ngũ hòa giải viên từ nguồn tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; huy động cán bộ, công chức cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tham gia công tác hòa giải.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vai trò, ý nghĩa, kết quả công tác hòa giải ở cơ sở; gương hòa giải viên giỏi; mô hình hay, cách làm hiệu quả; các quy định pháp luật, kỹ năng, phương pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở; số hóa và đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, trang facebook, đài phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở.

Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho lãnh đạo UBND cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch; tăng cường các giải pháp thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân, lực lượng công an nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên... tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải.

Hòa giải viên cơ sở phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý tham dự Hội thi hòa giải viên cơ sở giỏi.

Hòa giải viên cơ sở phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý tham dự Hội thi hòa giải viên cơ sở giỏi.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành có liên quan đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật, đăng tải tài liệu bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên trên chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh; góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 6 buổi tập huấn hòa giải cho hơn 1.300 lượt người. Đối tượng tham dự tập huấn là tổ trưởng, tổ phó, hòa giải viên các tổ hòa giải các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Nội dung chuyên đề tập huấn tập trung vào những quy định cơ bản Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản như kiến thức chung về hòa giải cơ sở; kỹ năng thực hiện hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, báo cáo viên còn lồng ghép tuyên truyền những nội dung pháp luật liên quan đến thực tế hòa giải cơ sở như: giao dịch, tranh chấp dân sự; năng lực pháp luật dân sự, hành vi dân sự của cá nhân; chế định về hộ gia đình; xác định quyền sở hữu đối với tài sản, bất động sản liền kề; giao dịch, hợp đồng dân sự đối với đất đai, vay tài sản; chế định về thừa kế... và một số kỹ năng hòa giải trong tranh chấp đất đai liên quan đến: quyền thừa kế, sử dụng đất, quyền của người được bồi thường khi thu hồi đất… Ngoài phổ biến kiến thức trực tiếp, tham gia tập huấn học viên còn được cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan; được trao đổi, thảo luận, đối thoại về những vấn đề mới, khó khăn, vướng mắc thường gặp tại cơ sở…

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 700 vụ việc tiếp nhận hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang). Trong đó có hơn 400 vụ việc hòa giải thành, gần 300 vụ việc hòa giải không thành (chủ yếu là các vụ việc mâu thuẫn giữa các bên, tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình...). Từ thực tế trên cho thấy, yêu cầu nâng cao chất lượng công tác, năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đang rất cấp thiết; các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; duy trì củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên… nhằm giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/nang-cao-nang-luc-doi-ngu-hoa-giai-vien-co-so-140995.html