Nâng cao năng lực đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19

Bộ Y tế đã có văn bản 4342/BYT-KCB về việc bổ sung và nâng cao năng lực cho đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhằm tăng cường hỗ trợ cho các địa phương quản lý, chăm sóc và điều trị COVID-19, đặc biệt hỗ trợ điều trị các ca bệnh nặng/nguy kịch, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thành lập 51 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID-19) theo Quyết định số 478/QĐ-BCĐQG ngày 20/02/2020 và Quyết định số 805/QĐ-BYT ngày 09/3/2020. Đến nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã điều động một số đội của các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh (thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh) đến hỗ trợ cho các địa phương như Vĩnh Phúc, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Để tiếp tục tăng cường, bổ sung lực lượng cho đội cơ động phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương khi có nhu cầu, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, Y tế ngành tiếp tục chỉ đạo thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn tại Quyết định số 478/QĐ-BCĐQG ngày 20/02/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 về việc kiện toàn các đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virut Corona 2019.

Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, Y tế ngành chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc đánh giá năng lực và xem xét khả năng để đăng ký tham gia tăng cường cho lực lượng cơ động Quốc gia theo các đội tương ứng với các cấp độ hồi sức tích cực như sau: 3 bác sỹ, 5 điều dưỡng và 1 kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong đó, cấp độ 1: Bác sỹ truyền nhiễm/bác sĩ đa khoa/bác sỹ nội khoa đã được đào tạo về điều trị COVID-19 và các biện pháp cách ly đáp ứng yêu cầu: Biết cách cho thở oxy (gọng kính, mặt nạ, dòng cao); cấp độ 2: bác sỹ chuyên khoa hồi sức tích cực, hô hấp, truyền nhiễm, tim mạch… đã được đào tạo về điều trị COVID-19 và các biện pháp cách ly, yêu cầu: tối thiểu 2/3 bác sĩ thực hiện thành thạo kỹ thuật thở máy, lọc máu. Cấp độ 1: Điều dưỡng đã được đào tạo về điều trị COVID-19 và các biện pháp cách ly; cấp độ 2: điều dưỡng chuyên khoa hồi sức tích cực đã được đào tạo về điều trị COVID-19 và các biện pháp cách ly. Kiểm soát nhiễm khuẩn: Cấp độ 1: Nhân viên giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn; cấp độ 2: Phụ trách khoa/bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ưu tiên đăng ký tham gia cho đội hồi sức tích cực cấp độ 2.

Trên cơ sở danh sách đăng ký, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho các đối tượng trên; chủ động điều phối hỗ trợ cho các đơn vị theo nhu cầu của từng đơn vị khi có dịch bệnh xảy ra.

Để tránh chồng chéo, không phù hợp nhu cầu của bệnh viện cần được hỗ trợ, các đơn vị chỉ phân công đội cơ động đi làm nhiệm vụ khi có sự điều động của Bộ Y tế (Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19).

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/nang-cao-nang-luc-doi-co-dong-phan-ung-nhanh-ho-tro-dieu-tri-nguoi-benh-covid19/404349.vgp