Nâng cao năng lực điều phối để hoạt động tình nguyện hiệu quả hơn

Công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ khu vực miền Trung vừa qua đã đặt ra vấn đề: Cần làm gì để hoạt động thiện nguyện phát huy được hiệu quả nguồn lực, tránh chồng chéo, lãng phí? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề này.

Bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia

Bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia

PHÓNG VIÊN: Chưa bao giờ hoạt động tình nguyện lại rầm rộ như trong thời gian vừa qua. Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển này?

Bà ĐỖ THỊ KIM HOA: Năm 2020 là một năm có nhiều thiên tai địch họa; cũng là năm hoạt động tình nguyện có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện ở công tác đảm bảo an sinh xã hội trong các đợt dịch Covid-19, hoạt động cứu trợ đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Bên cạnh các tổ chức có tư cách pháp nhân thì các đội nhóm, cá nhân tự lập ra để hoạt động thiện nguyện ngày càng nhiều.

Tôi cho rằng, đó là một tín hiệu rất tốt vì không chỉ phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn mà còn góp phần thay đổi quan điểm sống, thái độ sống tích cực của nhiều cá nhân trong xã hội. Các hoạt động cộng đồng sẽ dần trở nên phổ biến hơn, trở thành một kênh quan trọng bên cạnh vai trò chủ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân vùng khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhưng, các hoạt động thiện nguyện ồ ạt trong thời gian gần đây cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ, gây ra nhiều tranh cãi về tính hiệu quả, công bằng trong thực hiện cứu trợ, bà nghĩ sao về điều này?

Hoạt động tình nguyện mà cụ thể là công tác cứu trợ trong thời điểm cấp bách khó tránh được những bất cập, hạn chế. Có nhiều người làm tình nguyện tự phát do thiếu kỹ năng, thông tin dẫn đến hoạt động cứu trợ chưa hiệu quả.

Ví dụ, câu chuyện gói bánh chưng cho vùng lũ vừa qua là việc làm rất tốt, nhưng nếu không tìm hiểu kỹ về nhu cầu thực tế, về yếu tố đảm bảo an toàn thực phẩm thì lại gây ra hư hỏng, lãng phí. Hay như, có người dân muốn đi bằng được vào nơi nguy hiểm bất chấp cảnh báo nên đã gây ùn tắc, cản trở các hoạt động khác.

Đặc biệt, tình trạng người được nhiều, người được ít, nơi được nhiều, nơi được ít và sự minh bạch trong tiếp nhận, phân phối nguồn lực đôi lúc gây bức xúc dư luận. Do chưa có những quy định cụ thể nào để điều chỉnh những hành vi này nên đó thực sự là một bài toán khó hiện nay.

Vậy theo bà, chúng ta cần phải làm gì để hoạt động tình nguyện thực sự hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí, đặc biệt là khi hoạt động cứu trợ khẩn cấp đã cơ bản xong và bước sang giai đoạn tái thiết?

Có đi thực tế thì mới thấy hết sự khó khăn cùng cực của người dân khi trong tay họ “không còn gì cả”; có những thanh niên vừa vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp bị lũ cuốn trôi hết. Lúc này, cộng đồng cần hỗ trợ họ vốn, cây giống, vật nuôi, khoa học kỹ thuật để khôi phục sản xuất. Việc xây dựng lại điểm trường sau lũ, hỗ trợ đồ dùng dạy và học cũng cần phải làm ngay.

Tuy nhiên, để hỗ trợ hiệu quả, các tổ chức, đội nhóm tình nguyện nên thông qua chính quyền địa phương để điều phối quà tặng đúng người, đúng địa chỉ thực sự cần được giúp đỡ, tránh chồng chéo nơi quá nhiều, nơi quá ít hỗ trợ. Các cá nhân, đội nhóm tình nguyện nên nhận tư vấn của các tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ cộng đồng vì họ có mạng lưới, kinh nghiệm.

Điều quan trọng, dù tổ chức có tư cách pháp nhân hay các đội nhóm tình nguyện tự phát thì cũng đều cần minh bạch về tài chính. Nếu làm mất niềm tin của cộng đồng thì rất khó lấy lại. Về phía người dân, khi muốn tham gia vào đội nhóm tình nguyện thì cũng nên tìm hiểu về lịch sử hoạt động, tôn chỉ mục đích của tổ chức đó và phải tham gia giám sát hoạt động của cá nhân, tổ chức mà mình gửi gắm niềm tin.

Dường như điều khó nhất hiện nay vẫn là kết nối, điều phối các nguồn lực tình nguyện. Cổng thông tin kết nối tình nguyện quốc gia được kỳ vọng là sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn này hay không, thưa bà?

Mục tiêu của Cổng thông tin kết nối tình nguyện quốc gia là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tăng cường hiệu quả, tính kết nối, nâng cao năng lực điều phối trong hoạt động tình nguyện tại cộng đồng. Tuy nhiên, do mới ra đời (tháng 9-2020) nên chưa phát huy được hết yêu cầu đặt ra. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với mạng lưới ở các địa phương cập nhật địa chỉ tình nguyện để kết nối người cần hỗ trợ và người có nguồn hỗ trợ. Để đảm bảo thông tin chính xác, cổng chỉ cấp tài khoản cho các tổ chức có uy tín được cập nhật thông tin. Các cá nhân nếu muốn cung cấp địa chỉ phải được các tổ chức thẩm định lại.

Nhiều quốc gia cũng sử dụng cổng thông tin kết nối tình nguyện để phát huy tốt nhất nguồn lực cộng đồng. Ở nhiều quốc gia, lực lượng làm tình nguyện chủ yếu là người cao tuổi nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu là thanh niên.

Điều đáng mừng là Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn, các bộ ngành liên quan đang dự thảo chuẩn bị trình Thủ tướng nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên, trong đó có các điều khoản về thanh niên tình nguyện. Đây là lần đầu tiên hoạt động tình nguyện được luật hóa với những hướng dẫn cụ thể về các nội dung như: tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng tình nguyện viên và cán bộ quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện; tiêu chí các tổ chức được phép tiếp nhận nguồn lực; sự ghi nhận, tôn vinh của những người có đóng góp cho hoạt động tình nguyện…

Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ cả về chính sách, công nghệ thông tin, trong thời gian tới, hoạt động tình nguyện sẽ hiệu quả, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí hơn.

BÍCH QUYÊN thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nang-cao-nang-luc-dieu-phoi-de-hoat-dong-tinh-nguyen-hieu-qua-hon-696460.html