Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở

Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc đảm bảo sự ổn định về chính trị, xã hội, an ninh, trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động này cũng gặp không ít khó khăn.

Một buổi tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Sở Tư pháp thực hiện tại Tiên Yên. Ảnh: Thu Trang (Sở Tư pháp)

Một buổi tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Sở Tư pháp thực hiện tại Tiên Yên. Ảnh: Thu Trang (Sở Tư pháp)

Theo đánh giá chung, sau 5 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở của Quảng Ninh đi vào nền nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả. Hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định. 100% thôn, bản, khu phố ở 186 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có tổ hòa giải. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 1.570 tổ hòa giải với 8.945 hòa giải viên (HGV). Trong đó, HGV có trình độ chuyên môn luật là 221 người (chiếm 2,5%), HGV chưa qua đào tạo chuyên môn luật là 8.724 người (chiếm 97,5%), HGV được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là 6.351 người (chiếm 71%).

Nhờ vậy, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành ở nhiều địa phương trong tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2014 đến hết năm 2018, các tổ hòa giải đã tiến hành thụ lý 10.407 vụ việc, đã hòa giải thành 8.002 vụ việc. Các vụ việc tập trung chủ yếu là liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình... Số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; giữ gìn tình đoàn kết thôn xóm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở bộc lộ không ít tồn tại, bất cập. Các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp... trong khi đó trình độ, kỹ năng hòa giải của một số HGV còn hạn chế về kiến thức pháp luật, chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm. Việc nắm bắt, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc hòa giải còn nhiều hạn chế, phần lớn không biết các kỹ năng công nghệ thông tin để tra cứu các tài liệu nghiên cứu áp dụng vào các vụ việc hòa giải. Việc hỗ trợ, trang bị tài liệu pháp luật để HGV tự nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao năng lực hoạt động cũng như việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ HGV ở một số địa phương chưa được thường xuyên.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Hoành Bồ trao đổi với hòa giải viên khu phố 6 (thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ) về công tác hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đội ngũ cán bộ tư pháp tại một số xã còn thiếu kinh nghiệm trong công tác hướng dẫn các tổ hòa giải hoạt động, chưa thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND cấp xã trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các thành viên tổ hòa giải thường có thay đổi, vì vậy việc kiện toàn tổ hòa giải ở một số nơi chưa thực hiện được thường xuyên. Công tác phối hợp giữa UBND và Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở cấp xã còn hạn chế, nhất là trong công tác kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở và việc theo dõi, hướng dẫn kiểm tra tổ chức hoạt động của hòa giải.

Ngoài ra, kinh phí hoạt động hòa giải hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ từ chính quyền cho hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu được sử dụng chung cho sinh hoạt của tổ hòa giải chứ không hoàn toàn để trả thù lao cho hòa giải viên, sau đó mới chi cho các hoạt động đào tạo, tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu kiến thức, các cuộc thi cho HGV... Mặt khác, nguồn chi cho các hoạt động hòa giải khó thanh toán, chưa tương xứng với nhiệt huyết, thời gian và mức độ sự việc mà các HGV thực hiện nên không phát huy hết vai trò.

Theo ông Vũ Viết Quỳnh, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), ngày 18/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022. Triển khai thực hiện đề án này, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch số 146/KH-UBND với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Tập trung xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho HGV; xây dựng đội ngũ HGV có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... Mục tiêu, hết năm 2020, 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần theo luật định; 65% HGV ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chương trình khung và bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp ban hành (hết năm 2022 sẽ nâng tỷ lệ này từ 90% trở lên)...

Mong rằng, với việc triển khai đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 mà Quảng Ninh đang thực hiện, những khó khăn, bất cập trong hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ được khắc phục, năng lực cho đội ngũ HGV ở cơ sở tiếp tục được nâng cao, đáp ứng tình hình mới.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201907/nang-cao-nang-luc-cho-doi-ngu-hoa-giai-vien-o-co-so-2449115/