Nâng cao năng lực cho các thẩm phán trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án 'Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN' do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ, ngày 22/10, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo: 'Chia sẻ kinh nghiệm giữa thẩm phán Việt Nam và thẩm phán quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế và công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài'.

Các đại biểu là thẩm phán tại của Việt Nam và quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh: N.H

Các đại biểu là thẩm phán tại của Việt Nam và quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh: N.H

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực nỗ lực phấn đấu thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật trong nước và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, chú trọng hoàn thiện pháp luật tư pháp quốc gia trong các lĩnh vực: giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài, bản án dân sự của tòa án nước ngoài…

Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà TAND Tối cao đang tăng cường thực hiện để hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia với thông lệ quốc tế và thúc đẩy quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại quốc tế ngày càng phát triển.

Hiện Việt Nam đang là thành viên của nhiều điều ước đa phương quan trọng, như: Công ước New York 1958 của Liên Hợp Quốc về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài; Công ước Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; Công ước Lahay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và 17 điều ước song phương về tương trợ tư pháp về dân sự...

Theo bà Hiền, đây là những điều ước quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác giải quyết xét xử của tòa án Việt Nam, do đó, nhiều quy định của các điều ước quốc tế nêu trên đã được nội luật hóa vào các đạo luật quan trọng để thuận tiện trong việc áp dụng trong thực tiễn.

Tiêu biểu như bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã dành phần thứ 7 và 8 từ điều 423 đến điều 481 để quy định về các thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án dân sự của tòa án nước ngoài, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài, giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Bà Hiền cho hay, qua công tác tổng kết thực tiễn, TAND Tối cao nhận thấy TAND các cấp đã có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng các quy định nêu trên của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về cơ bản đã áp dụng đúng với các quy định pháp luật trong giải quyết các vụ việc liên quan đến công nhận và cho thi hành tại VN các phán quyết của trọng tài nước ngoài, giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ Chương trình UNDP cho hay, hiện số lượng các vụ tranh chấp thương mại được tòa án giải quyết hiện vẫn rất ít. Bà Vân dẫn chứng số liệu của TAND Tối cao năm 2018 cho thấy, trong vòng hơn 1 năm kể từ khi Công ước Viên năm 1980 (CISG) có hiệu lực tại Việt Nam (1/1/2017), chỉ có 20 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được tòa án Việt Nam giải quyết. Trong 5 năm từ 2014 đến 2018 chỉ có 28 yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài được giải quyết so với tổng số 45 yêu cầu được tiếp nhận.

“Việc thực thi pháp luật như vậy trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế có thể ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, để thúc đẩy môi trường kinh doanh tại Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng là cải thiện việc thực thi pháp luật, nâng cao năng lực và kỹ năng của các thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp quốc gia” – bà Vân nhấn mạnh.

Thừa nhận tình trạng này, bà Hiền cho biết, thời gian gần đây, các vụ việc tranh chấp thương mại ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp về tính chất và gia tăng về số lượng. Do đó việc giải quyết các vụ việc nêu trên trong một số trường hợp còn chậm trễ so với yêu cầu.

Bà Hiền cho hay, nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là do thiếu đội ngũ thẩm phán giỏi trong lĩnh vực nêu trên, chưa có điều kiện tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm đặc biệt là kiến thức về áp dụng pháp luật quốc tế khi giải quyết các loại vụ việc này và cũng còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về vấn đề này.

Theo bà Hiền, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thái độ tích cực, đánh giá cao về tính lành mạnh, công bằng của môi trường kinh doanh của một quốc gia nếu mà tòa án nước đó hoạt động hiệu quả thông qua quy trình giải quyết tranh chấp dễ tiếp cận, thân thiện, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật.

Do đó, việc tăng cường nâng cao kiến thức kinh nghiệm, hiểu biến về pháp luật quốc tế cho đội ngũ cán bộ thẩm phán của Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế và công nhận, cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là đòi hỏi rất cấp thiết và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà TAND Tối cao đã đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Do đó, bà Hiền kỳ vọng thông qua trao đổi với các trọng tài quốc tế tại hội thảo, các thẩm phán sẽ tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích.

Qua đó hướng tới mục tiêu tạo được sự thống nhất trong quan điểm của các thẩm phán khi áp dụng các quy định của bộ luật tố tụng dân sự 2015, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án thương mại quốc tế cũng như yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giải quyết các vụ việc này trong thời gian tới

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nang-cao-nang-luc-cho-cac-tham-phan-trong-giai-quyet-cac-tranh-chap-thuong-mai-quoc-te-113773.html