Nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập hợp nhiều tỉnh, thành không chỉ mạnh về kinh tế mà còn mạnh về năng lực cạnh tranh. Nếu hợp tác, liên kết thành công, sức mạnh kinh tế của từng tỉnh, thành nói riêng và của toàn vùng nói chung sẽ được bồi đắp mạnh mẽ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong nước trên địa bàn Đồng Nai vào tháng 3-2019. Ảnh tư liệu

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong nước trên địa bàn Đồng Nai vào tháng 3-2019. Ảnh tư liệu

Một trong những tiêu chí phản ánh sức mạnh kinh tế của các địa phương là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là một chỉ báo quan trọng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đo lường hằng năm thông qua điều tra doanh nghiệp với quy mô lớn, công phu.

* Nhiều tỉnh, thành có chỉ số PCI nhóm tốt, khá

Bảng xếp hạng PCI của các tỉnh, thành Việt Nam năm 2018 cho thấy, thứ hạng các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sự phân hóa ở các nhóm, từ tốt đến khá và trung bình. Nổi bật về thứ hạng có thể kể đến là Long An đạt thứ hạng cao nhất trong vùng (xếp 3/63). Long An cũng là tỉnh có sự tiến bộ rõ rệt liên tục những năm qua trong việc cải thiện chỉ số của mình.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là tứ giác kinh tế năng động bậc nhất của vùng.

Vị trí thứ hai thuộc về Bình Dương (6/63). Xếp thứ ba là TP.Hồ Chí Minh, đầu tàu của vùng nhưng tụt hạng qua các năm và trong năm 2018 xếp hạng 10/63. Kế tiếp là Tây Ninh có chỉ số PCI được cải thiện qua các năm (14/63) xếp trên cả Bà Rịa - Vũng Tàu (21/63), Đồng Nai (26/63), Tiền Giang (38/63). Cuối cùng, Bình Phước xếp bậc thấp nhất trong vùng và thuộc tốp cuối của cả nước (61/63).

Như vậy, nhìn tổng thể, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có thuận lợi khi hội tụ nhiều tỉnh, thành có chỉ số PCI thuộc nhóm tốt và khá. Điều quan trọng là 3 năm gần đây, có đến phân nửa số tỉnh, thành của vùng có sự thay đổi tích cực về thứ hạng. Điều này cho thấy nỗ lực của các tỉnh, thành trong việc thay đổi chính sách và điều hành vĩ mô nhằm tạo sức cạnh tranh hấp dẫn đã được các nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá tích cực.

PCI gồm 10 chỉ số thành phần, thể hiện chất lượng điều hành của từng địa phương. Trong đó, điểm mạnh nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tiêu chí chi phí gia nhập thị trường với 7/8 tỉnh đều có điểm số trên 7 điểm. Ở chiều ngược lại, hạn chế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo các doanh nghiệp đánh giá là tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, khi mà điểm số của nhiều tỉnh, thành được đánh giá ở mức 5 điểm.

* Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nên có trọng tâm, tránh dàn trải

Theo ThS.Mai Lê Thúy Vân, Trường đại học kinh tế - luật (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có nhiều tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh dựa vào việc thúc đẩy hơn nữa các chỉ số thành phần như: chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý…

Một trong những biện pháp để giảm thiểu chi phí thời gian, chi phí không chính thức là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian so với quy định, tạo sự hài lòng của doanh nghiệp. Theo đó, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp là một chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ. Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ với các ngành, các cấp phải “thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính”.

Biểu đồ thể hiện thứ hạng PCI các tỉnh trong tứ giác kinh tế phía Nam gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2009-2018. Thông tin: http://pcivietnam.org/. Đồ họa: Thùy Trang

Là tỉnh có chỉ số PCI cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong năm 2018, tỉnh Long An thời gian qua đã rất quyết tâm trong việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số PCI được Đảng bộ tỉnh Long An xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh cũng đồng nghĩa với việc phải khắc phục các hạn chế của vùng như: tính năng động và cạnh tranh bình đẳng. Báo cáo PCI năm 2018 của VCCI và USAID cũng nhận định: Vẫn cần có những nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp dân doanh. UBND tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân; cũng như năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh…

Ngoài ra, tính năng động của các cơ quan chính quyền địa phương còn thể hiện ở công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Tại tỉnh Đồng Nai, hằng năm UBND tỉnh thường tổ chức nhiều đợt gặp gỡ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều do Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tại các hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản ảnh về khó khăn của doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Phía tỉnh tiếp tục đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ theo hướng công khai, minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động...

Theo ThS.Mai Lê Thúy Vân, chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở mỗi tỉnh nên có trọng tâm, tránh dàn trải. Do đó, trong 10 chỉ số thành phần, các tỉnh, thành cần chọn lọc chỉ số để tác động nhằm tạo sự chuyển biến hiệu quả, rõ rệt, nhanh chóng.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201911/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-2974191/