Nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp

Ngày19/12, tại TP.Vinh đã diễn ra hội thảo Thiết lập mạng lưới liên kết trong kinh doanh và Ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công Thương, Sở Khoa học & Công nghệ, VCCI Nghệ An, Liên minh HTX Nghệ An và có sự tham gia của trên 40 thành viên, là đại diện các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nội dung hội thảo được chia làm 2 phần, phần thứ nhất diễn ra trong sáng 19/12 bàn về Giải pháp truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp, tạo thuận lợi trong kinh doanh.

Hiện nay, vấn nạn “thực phẩm bẩn” ngày càng lan rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đó là việc sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát, sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được gắn mác sản phẩm đặc sản địa phương, vùng miền để đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, việc dán tem truy xuất nguồn gốc hiện ngày càng trở nên cấp thiết.

Năm 2017-2018 Sở KH&CN được UBND tỉnh giao và thực hiện nhiệm vụ “Tổ chức quản lý và cung ứng tem nhãn về chỉ dẫn địa lý Cam Vinh” đã mang lại hiệu quả, hiệu ứng và sức lan tỏa đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã có hơn 30 sản phẩm thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Kết quả là sản phẩm của bà con nông dân được tiêu thụ mạnh hơn, khẳng định chất lượng, thương hiệu, uy tín và mang lại hiệu quả kinh tế.Một số sản phẩm với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Nước Mắm Vạn Phần, Tương Sa Nam, nấm sạch ATC, Ổi, Bơ Nghĩa Đàn, Bưởi, Rượu Mú từn, Rượu cam Con Cuông, Gà Thanh Chương, Giò chả, Rau củ quả Con Cuông.... và nhiều sản phẩm nông sản khác của địa phương đã được dán tem truy xuất nguồn gốc và doanh thu đã tăng trưởng từ 20% đến 30 %, đồng thời mở rộng thị trường tại một số tỉnh trên toàn quốc.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh trình bày những lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu – ĐH Thương mại đã trình bày những lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy trình truy xuất nhãn mác sản phẩm trong đó nhấn mạnh việc truy xuất không những giúp biết được nguồn gốc sản phẩm, tạo dựng lòng tin người tiêu dùng mà còn giúp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm, là điều kiện bắt buộc nếu sản phẩm muốn "vươn tầm".

Bà Thái Thị Hồng Liên - Phó Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đã trình bày về thực trạng việc truy xuất, gắn nhãn, mác hàng hóa của các sản phẩm trên địa bàn; Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ công tác này. Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 30 sản phẩm thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Kết quả là sản phẩm của bà con nông dân được tiêu thụ mạnh hơn, khẳng định chất lượng, thương hiệu, uy tín và mang lại hiệu quả kinh tế.

Dự kiến trong năm 2019 sẽ có khoảng 10 sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn, trong đó có một số sản phẩm thuộc vùng dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Giải pháp đã và đang được ứng dụng phổ biến hiện nay trong việc truy xuất nguồn gốc là phần mềm tem điện tử truy xuất nguồn gốc tại một số địa phương trên toàn quốc áp dụng như các tỉnh thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Bắc Ninh....nói chung và Nghệ An nói riêng cho các đối tượng sản phẩm nông sản, rau củ quả, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp cũng đã giới thiệu phần mềm giúp thực hiện việc truy xuất hàng hóa dễ dàng. Hội thảo sẽ diễn ra trong vòng một ngày, trong chiều 19/12 sẽ tiếp tục thảo luận về nội dung Thiết lập mạng lưới liên kết trong kinh doanh để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản.

Mộc Miên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-va-tao-thuan-loi-thuong-mai-cho-doanh-nghiep-113667.html