Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch: Cải thiện hạ tầng, nhân lực

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (WEF) năm 2019, du lịch Việt Nam xếp hạng 63/140 nền kinh tế, tăng 4 bậc so với năm 2017. Với vị trí này, Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.

Du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng nhanh

Du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng nhanh

Tăng chưa bền vững

Thời gian qua, du lịch Việt Nam liên tục đạt được những thành tựu quan trọng và là một trong những điểm sáng về kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP của cả nước ước đạt 8,39%. Với kết quả này, ngành du lịch Việt Nam đã vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020.

Còn về năng lực cạnh tranh, theo WEF, năm 2019, Việt Nam đã tăng 4 bậc, từ vị trí 67/136 năm 2017 lên 63/140 năm 2019. Đáng chú ý, tốc độ bứt phá của Việt Nam tăng 15 bậc; chỉ số yêu cầu visa tăng 63 bậc; khả năng cạnh tranh về giá tăng 13 bậc.

Đặc biệt, việc tích cực thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tại những tỉnh, thành phố nhiều tiềm năng du lịch đã góp phần thúc đẩy hệ thống cơ sở vật chất, sản phẩm của ngành du lịch thay đổi diện mạo nhanh chóng. Khi các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế gia tăng, năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng được củng cố đáng kể. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các khu lưu trú chất lượng, quy hoạch đồng bộ hạ tầng vui chơi giải trí, mua sắm… cho khách du lịch, các nhà đầu tư lớn còn hướng đến kết nối nhiều lĩnh vực, tạo nên hệ sinh thái điểm đến như một điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh.

Tuy nhiên, kết quả xếp hạng cũng chỉ ra, việc phát triển du lịch của Việt Nam vẫn phải giải quyết những hạn chế liên quan đến chất lượng lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc bảo đảm môi trường, tính bền vững trong phát triển du lịch…

Nhận thức rõ hạn chế

Nhận định về kết quả ngành du lịch Việt Nam đã đạt được, các chuyên gia cho hay, tuy có sự tiến bộ vượt bậc nhưng thực tế năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt so với thế giới và ngay trong khu vực ASEAN chưa phải là cao.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng - cũng đồng tình với Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam 2019. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, chưa nên thỏa mãn với thành tích này. Tổng cục Du lịch cần chủ động rà soát, khuyến cáo với các bộ, ngành xem những mặt nào đã làm tốt, mặt nào còn yếu kém để khắc phục.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành "công nghiệp không khói" nước nhà, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - cho rằng, du lịch Việt Nam cần tập trung triển khai các giải pháp như: Cải thiện cơ bản điểm yếu về hạ tầng dịch vụ; nâng cao nhóm chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành du lịch; nâng cao nhóm chỉ số quan trọng về mức độ mở cửa quốc tế và hạ tầng hàng không, cải thiện năng lực vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin để thúc đẩy các hoạt động du lịch.

Vấn đề của ngành du lịch hiện nay là thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao trong doanh nghiệp du lịch. Do đó, thời gian tới, phải củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, đặc biệt là ngoại ngữ; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng và sử dụng bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN trong đào tạo du lịch...

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-nganh-du-lich-cai-thien-ha-tang-nhan-luc-128651.html