Nâng cao năng lực cạnh tranh: Không phải cứ có nguồn lực là sẽ phát triển

Theo TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguồn lực sẵn có chưa chắc được biến thành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đổi mới, sáng tạo góp phần nâng cao sức cạnh tranh

Ngày 12-10, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Đại học Điện lực tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cuối năm ngoái, Việt Nam đã lên hạng thứ 55, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần được thúc đẩy, nâng cao hơn nữa để định vị thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng, mở rộng thị phần trong và ngoài nước vì phần lớn doanh nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ và vừa (chiềm 97%), khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp cũng như chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể…

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh? Theo TS Võ Trí Thành, có rất nhiều yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tuy nhiên, khai thác những yếu tố này cần dựa trên sự sáng tạo.

“Việt Nam có không ít nguồn lực không dịch chuyển được, như vịnh Hạ Long chẳng hạn nhưng đáng chú ý là tỉnh Quảng Ninh không khai thác được hết nguồn lực này. Đóng góp của dịch vụ du lịch chỉ chiếm chưa đến 10% GRDP của tỉnh Quảng Ninh. Ai là người khai thác các nguồn lực này? Là các nhà đầu tư đến từ Hà Nội, từ các tỉnh thành phố khác.

Tương tự, doanh nghiệp không nên nhìn vào nguồn lực sẵn có như có bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu lao động, bao nhiêu máy móc mà nên học cách khai thác nó như thế nào cho hiệu quả”- ông Võ Trí Thành nói.

Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, trong “cuộc chơi” toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm đến “đối thủ” của mình là ai, họ liên kết với những doanh nghiệp nào khác thay vì chỉ quan tâm đến giá cả hay quy mô, trong đó, chơi với người giỏi để học hỏi luôn là lựa chọn hàng đầu.

Ở những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, nhưng giá trị gia tăng còn thấp, doanh nghiệp vẫn có thể tham gia nếu “bắt tay” với họ, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng vươn lên cao và có thể “mặc cả” về sản phẩm.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-khong-phai-cu-co-nguon-luc-la-se-phat-trien/786157.antd