Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Tại Diễn đàn hợp tác - liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc, lần thứ XI năm 2018 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức, nhiều đại biểu đã hiến kế cho sự phát triển chung của các DNNVV.

Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh ký giao kết thực hiện nghị quyết Diễn đàn hợp tác - liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc, lần thứ XII.

Năng lực cạnh tranh yếu

DNNVV chiếm đa số trong tổng số các doanh nghiệp, đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP), 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp và tạo nhiều việc làm mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các DNNVV đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong hoạt động kinh doanh như: Thiếu vốn; năng lực quản trị và nguồn nhân lực yếu; tiếp cận công nghệ thông tin, môi trường kinh doanh, hệ thống pháp lý, kiến thức kinh doanh hạn chế; ít cơ hội hòa nhập với thị trường nước ngoài... Trở ngại nội tại kết hợp với những khó khăn, sức ép bên ngoài thị trường đã khiến cho nhiều DNNVV ngày càng đuối sức. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, năm 2017 trung bình mỗi tháng có hơn 11.100 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu nhận định, DNNVV phát triển chưa bền vững, tính liên kết yếu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa kém, khả năng quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Trong khi đó, vai trò tổ chức hạt nhân để phát triển doanh nghiệp vẫn còn chưa mạnh.

Theo ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, năng lực quản trị của doanh nghiệp tư nhân chưa cao do hình thành từ kinh tế gia đình, quản trị chủ yếu trong nội bộ gia đình, chưa sử dụng nhân lực quản trị chuyên nghiệp để đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh những khó khăn nội tại, ở nhiều địa phương công tác hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu công bằng trong đối xử giữa doanh nghiệp lớn - nhỏ... nhiều hiệp hội doanh nghiệp địa phương chưa phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp. Trong khi đó, Luật Hỗ trợ DNNVV dù đã ban hành hơn một năm nay và có hiệu lực từ tháng 10/2018 nhưng việc triển khai các quy định hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn hết sức hạn chế...

Để có thể đứng vững

Để doanh nghiệp đứng vững cần giải quyết một loạt những yếu kém của doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng: Muốn có được môi trường kinh doanh thông thoáng, hệ thống pháp luật phù hợp để doanh nghiệp phát triển thì phải có “bàn tay” của Nhà nước. Một mặt sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với quy luật kinh tế thị trường; mặt khác cần phá vỡ độc quyền, loại bỏ sự cạnh tranh không lành mạnh, giúp doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh bình đẳng. Hiệp hội, hội doanh nghiệp cần góp ý, phản biện với chính quyền những vấn đề bất cập trong chế độ chính sách đang gây ách tắc cho nền kinh tế, ngành và doanh nghiệp.

Ông Đào Duy Hảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh, cho rằng: Hiệp hội luôn sát cánh cùng chính quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Về phía Hiệp hội, tập trung phát triển số lượng và nâng cao chất lượng các doanh nghiệp như: Quan tâm phát triển các CLB đầu tư và khởi nghiệp; vận hành mô hình cafe doanh nhân; đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp... Nhờ đó, 5 năm qua số doanh nghiệp của Quảng Ninh tăng gần gấp 2 lần và đạt trên 17.200 doanh nghiệp.

Về phía chính quyền, hệ thống chính trị luôn lắng nghe, xây dựng quan hệ đối tác với doanh nghiệp, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Do chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đều chung mối quan tâm, trăn trở phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành quả như: Chỉ số PCI đứng đầu toàn quốc, đi đầu trong hình thức đầu tư đối tác công - tư; là một trong 5 địa phương thu ngân sách nội địa lớn nhất toàn quốc...

Cùng với sự dẫn dắt của Nhà nước và chính quyền địa phương, các ý kiến đều khẳng định: Bản thân các doanh nghiệp cần phải tự thay đổi, tăng cường liên kết để phát triển và hội nhập...

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-2410478/