Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Đông đảo đại diện các doanh nghiệp Thụy Điển hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và các tổ chức tài chính Thụy Điển cùng các doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Hội thảo 'Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng' diễn ra chiều 27/10 tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: PV)

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: PV)

Hội thảo do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức nhằm tạo kết nối các doanh nghiệp và tổ chức của Thụy Điển cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam, tạo khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước trong lĩnh vực này.

Hội thảo có sự tham gia của Bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Björn Savlid, Tham tán Thương mại Thụy Điển tại Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trình diễn công nghệ tại Hội thảo (Ảnh: PV)

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành “Trung tâm sản xuất tiếp theo của châu Á”. Để hiện thực hóa viễn cảnh này, điều cốt lõi là phải phát triển một ngành công nghiệp phụ trợ bền vững, bằng cách tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cũng như nâng cao hiệu quả của quy trình sản xuất. Về lĩnh vực này, Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam được trang bị tốt nhất nhằm tiến tới nền công nghiệp 4.0, đồng thời nắm bắt các cơ hội mà chuyển dịch chuỗi cung ứng và EVFTA mang lại.

Hội thảo nêu bật các giải pháp tiên tiến của Thụy Điển trong lĩnh vực sản xuất, ví dụ như ABB, Atlas Copco, Ericsson, Hexagon, cũng như giới thiệu các tổ chức tín dụng hàng đầu của Thụy Điển – SEK (Tổ chức Tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển) và EKN (Quỹ tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển).

Giới thiệu công nghệ của Thụy Điển tại Việt Nam (Ảnh: PV)

Hội thảo tập trung thảo luận về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bền vững bằng cách tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả của dây chuyền sản xuất. Hội thảo cũng thảo luận về cách các doanh nghiệp Thụy Điển có thể hỗ trợ về mặt công nghệ và cũng như tài chính, để Việt Nam được trang bị tốt nhất khi tiếp cận với nền công nghiệp 4.0, đồng thời nắm bắt các cơ hội mà EVFTA và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng mang lại. Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra một buổi trưng bày các giải pháp của Thụy Điển, như Hệ thống truyền lực của ABB và thiết bị đo lường của Hexagon.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe cho biết, Việt Nam đang có cơ hội đặc biệt để củng cố vị thế của mình như một lựa chọn sản xuất thay thế hàng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn – đó là tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, thay vì chỉ tăng giá trị thương mại một cách đơn thuần.

Cũng tại Hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về tầm nhìn và thách thức của công ty họ trong thời đại đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo ra những cơ hội hợp tác. Đối với nhà điều hành doanh nghiệp đến từ cả hai quốc gia, hội thảo cung cấp một nền tảng tuyệt vời để trao đổi ý tưởng và quan điểm cũng như chia sẻ các thực tiễn để hai bên cùng có lợi. Mục tiêu của Hội thảo cũng là tăng cường hợp tác giữa các công ty Thụy Điển và Việt Nam, đồng thời nêu bật tiềm năng tích cực của các sản phẩm, giải pháp, giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) của Thụy Điển, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Thụy Điển được coi là một trong những quốc gia bền vững và đổi mới nhất trên thế giới, đứng thứ hai trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu. Các công ty Thụy Điển có lịch sử lâu đời trong việc cung cấp các giải pháp đẳng cấp thế giới cho các ứng dụng sản xuất và công nghiệp. ABB và Ericsson đang tham gia thiết lập cơ sở trưng bày sản xuất thông minh hiện đại tại Việt Nam, trong khi Atlas Copco và Hexagon cũng đang đóng góp rất nhiều giải pháp của họ cho lĩnh vực sản xuất.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-cac-nganh-cong-nghiep-ho-tro-trong-boi-canh-da-dang-hoa-chuoi-cung-ung-566643.html