Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác an sinh xã hội

Thời gian qua, việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác an sinh xã hội luôn được chính quyền và các cấp hội trong tỉnh chú trọng thực hiện. Điều này góp phần không nhỏ vào việc triển khai có hiệu quả, đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách, chế độ trợ giúp nhân đạo dành cho các đối tượng yếu thế.

Một lớp tập huấn cho cán bộ y tế, người làm công tác người khuyết tật xã, phường. Ảnh: V.Truyên

Một lớp tập huấn cho cán bộ y tế, người làm công tác người khuyết tật xã, phường. Ảnh: V.Truyên

* Trang bị kỹ năng

Theo ông Mai Văn Nhỏ, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, hiện chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin mới triển khai đến thế hệ thứ hai trong khi người dân thường xuyên nêu thắc mắc với cán bộ Hội ở cơ sở là thế hệ thứ ba, thứ tư của nạn nhân chất độc da cam/dioxin sao không được hưởng chế độ. Hay cũng có di chứng, sinh ra lớn lên tại vùng bị nhiễm chất độc hóa học lại không được hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin mà chỉ hưởng chế độ bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật... Những thắc mắc này của người dân đòi hỏi cán bộ Hội ở cơ sở của 147 xã, phường, thị trấn có hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 10 xã có chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải nắm rõ để kịp thời giải đáp cho người dân. Do vậy, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn dành cho cán bộ Hội ở cơ sở.

Trong khuôn khổ dự án Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật (DIRECT) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tại Đồng Nai, Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam và Sở Y tế đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng người khuyết tật dành cho cán bộ y tế, người làm công tác người khuyết tật xã, phường ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú. Tham gia lớp tập huấn, gần 300 học viên đã được các báo cáo viên hướng dẫn sử dụng và cập nhật phiếu, phần mềm thống kê chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng người khuyết tật.

Ông Võ Văn Nga, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Túc Trưng (H.Định Quán) cho hay, cùng với tự học, tự tìm hiểu các văn bản có nội dung về chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, việc được tham gia các lớp, hội nghị tập huấn dành cho cán bộ làm công tác Hội tại cơ sở giúp ông thực hiện đúng, đủ, kịp thời hồ sơ đề nghị công nhận hưởng chế độ dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng khuyết tật không đủ điều kiện thụ hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin được ông hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng của Nhà nước để không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chế độ do nhà nước quy định.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - người thường xuyên được mời tham gia làm báo cáo viên ở các lớp, hội nghị tập huấn do hội đoàn thể an sinh xã hội tổ chức, mỗi cán bộ trực tiếp thực hiện công tác an sinh xã hội là những người đi trước, đi sâu sát với người dân, nhất là những đối tượng yếu thế. Đồng thời, công tác an sinh xã hội chủ yếu dựa vào vận động quần chúng như: hiến máu tình nguyện, vận động và tiếp nhận hiện vật ủng hộ, tổ chức trao tặng cho đối tượng yếu thế... Do vậy, cùng với kiến thức chuyên môn thì chương trình tập huấn dành cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác an sinh xã hội chú trọng đến những tình huống, câu chuyện có thật xảy ra trong cuộc sống. Để từ đó, giúp cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác an sinh xã hội vận dụng tốt kiến thức chuyên môn, kỹ năng vào công tác.

* Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Theo Sở LĐ-TBXH, để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thời gian qua đã có 338 lớp tuyên truyền, tập huấn được tổ chức dành cho trên 15 ngàn lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã và hộ nghèo tham gia. Riêng năm 2020, có 50 lớp tập huấn, truyền thông được tổ chức với sự tham gia của khoảng 3 ngàn người.

Điều này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở nhằm đảm bảo các chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo do Trung ương, tỉnh triển khai được thực hiện đúng, đủ, kịp thời.

Ông Giềng Cỏn Sáng, một hộ nghèo tại xã Phú Lộc (H.Tân Phú) cho biết, một trong 2 con của ông mắc bệnh tim bẩm sinh nên đời sống rất khó khăn. Những năm qua, gia đình ông được cán bộ LĐ-TBXH xã hỗ trợ các thủ tục liên quan để thụ hưởng đầy đủ chính sách dành cho hộ nghèo. Trong đó, tiền hỗ trợ Tết hằng năm theo quy định của tỉnh, những phần quà do mạnh thường quân trao tặng đã giúp gia đình ông rất nhiều dịp Tết đến xuân về.

Ông Đoàn Văn Chuộn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) cho hay, nhờ nắm rõ hoàn cảnh của người yếu thế, vận động hỗ trợ đúng đối tượng cần trợ giúp, thu chi minh bạch nên Hội Chữ thập đỏ xã là địa chỉ tin cậy được người dân gửi gắm niềm tin, nhờ hỗ trợ khi khó khăn. Đồng thời, mạnh thường quân cũng tin tưởng giao cho Hội Chữ thập đỏ xã thay mặt họ trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, Hội Chữ thập đỏ xã đã vận động được mạnh thường quân hỗ trợ thường xuyên cho 23 gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các chương trình tập huấn do cấp trên triển khai, Hội Chữ thập đỏ xã cũng chủ động xây dựng nguồn quỹ tại chỗ để giúp những hoàn cảnh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm có từ 3-5 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay từ nguồn quỹ với tổng giá trị 70 triệu đồng để buôn bán, làm ăn nhỏ...

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202009/nang-cao-nang-luc-can-bo-lam-cong-tac-an-sinh-xa-hoi-3022625/