Nâng cao mức thu nhập vùng dân tộc thiểu số

Với cách làm sáng tạo, bài bản, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Trong đó, chất lượng đời sống, mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của từng địa phương.

Cán bộ xã Quảng Phong (Hải Hà) trao hỗ trợ máy cày cho người dân, phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Cán bộ xã Quảng Phong (Hải Hà) trao hỗ trợ máy cày cho người dân, phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Toàn huyện Hải Hà có 11 dân tộc cùng sinh sống, với gần 16.100 người là DTTS (gần 25% dân số huyện). Cùng với đặc thù địa bàn chủ yếu là vùng núi cao, biên giới, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên bà con các dân tộc chủ yếu cư trú tại đây gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội. Giải pháp của huyện những năm qua là tập trung triển khai có hiệu quả, đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án thực hiện những chính sách hỗ trợ đặc thù cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nổi bật như: Đề án 2085, 755 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Đề án 196 của tỉnh và Đề án 371 của huyện về những giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi vùng ĐBKK trên địa bàn, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...).

Chỉ riêng năm 2019, huyện đã giải ngân 540 triệu đồng để hỗ trợ 234 hộ nghèo thực hiện các dự án mua lợn thương phẩm, trâu, bò, gà và hỗ trợ máy móc phát triển sản xuất; mở 3 lớp tập huấn về nâng cao năng lực cộng đồng cho người dân tại các xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Phong. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư chỉnh trang, nâng cấp để phục vụ tốt nhất cho người dân trong giao thương, sản xuất. Cụ thể năm qua, đã có tổng số 31 công trình được chuyển tiếp từ năm trước và hoàn thiện, đưa vào sử dụng; 30 công trình được khởi công xây mới bao gồm kênh mương nội đồng, các tuyến đường trục thôn, liên xã... Đi kèm với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... đã góp phần thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế vùng cao, vùng sâu của địa phương.

Bí thư chi bộ thôn Nà Sa, xã Hoành Mô (Bình Liêu) tuyên truyền, nắm tình hình sản xuất các hộ dân địa phương.

Hay như tại huyện vùng cao Bình Liêu, giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân vùng DTTS, địa bàn khó khăn được huyện tập trung thực hiện gồm: Làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành mô hình sản xuất phù hợp; tranh thủ nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp. Đồng thời, Việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng dân tộc làm nòng cốt trong vận động nhân dân được huyện chú trọng.

Điều này thể hiện rõ trong năm 2019, huyện đã đã triển khai 124 dự án, công trình gồm 30 công trình giao thông, 24 công trình thủy lợi, nước sạch và hàng loạt dự án quan trọng về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó là trên 16,3 tỷ đồng được phân bổ cho 12 dự án hỗ trợ sản xuất đối với trên 300 hộ dân tham gia nuôi trâu, bò sản xuất... Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất mang tính hàng hóa ngày càng cao như vùng chuyên canh hồi, quế ở Đồng Văn, Lục Hồn, cây dong riềng ở Tình Húc, Húc Động...

Cách làm của Hải Hà, Bình Liêu cũng là chủ trương chung trong toàn tỉnh những năm qua. Kết quả là đã góp phần thay đổi diện mạo các xã, thôn vùng cao, vùng khó: Hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc từ 26,4% (năm 2015) nay giảm xuống chỉ còn gần 5,6%; nhiều người đã tự nguyện viết đơn ra khỏi diện hộ nghèo, thể hiện ý chí vươn lên.

Để các giải pháp này có hiệu quả ngay trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chính sách đầu tư hoàn thiện hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc; quan tâm phát triển đa dạng hơn nữa những mô hình kinh tế hộ gia đình, khai thác tốt tiềm năng sẵn có; tập trung gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc... Yếu tố quan trọng nhất là đồng bào DTTS phát huy tinh thần tự lực, nỗ lực vươn lên, tin tưởng vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202003/nang-cao-muc-thu-nhap-vung-dan-toc-thieu-so-2474152/