Nâng cao mức độ phòng, chống dịch COVID-19 trong sinh hoạt tôn giáo

Cùng với các cấp chính quyền, nhân dân cả nước, các tổ chức tôn giáo đã tích cực chung tay, đồng hành trong phòng, chống dịch, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân.

Khu di tích đền Ngọc Sơn thực hiện tạm dừng đón khách để phòng chống COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Khu di tích đền Ngọc Sơn thực hiện tạm dừng đón khách để phòng chống COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 28/5, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) có công văn số 624/TGCP-TL về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Thời gian qua, chính quyền các cấp ở địa phương đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trong cả nước.

Nhiều tổ chức tôn giáo có triển khai các hoạt động đồng hành cùng Chính phủ, nhân dân cả nước phòng, chống dịch.

Đồng hành vì mục tiêu kép

Nhìn lại hơn 1 năm dịch COVID-19 xảy ra ở Việt Nam cho thấy cùng với các cấp chính quyền, nhân dân cả nước, các tổ chức tôn giáo đã tích cực chung tay, đồng hành trong phòng, chống dịch, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân.

Điển hình có thể kể đến là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngay khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát ở trong nước vào cuối tháng 4/2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.

Trụ trì các chùa, cơ sở tự viện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc không để xảy ra các tình trạng tập trung đông người và sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng không kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mới mắc tăng nhanh tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tại Hà Nội cũng xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, thực hiện Công điện khẩn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố và tăng, ni các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc,” theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.

Đồng thời, vận dụng sáng tạo các hình thức kính mừng Phật đản vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, đồng bào phật tử trong mùa Phật đản; khuyến khích các hình thức kính mừng Phật đản trực tuyến, online, các gia đình phật tử tôn trí tắm Phật tại tư gia.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2565 - dương lịch 2021 với quy mô nội bộ, ít người tham gia.

Các hòa thượng và chư tôn đức thực hiện nghi lễ tắm Phật đản sinh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương xem xét việc tổ chức An cư kết hạ vào thời gian Hậu an cư (từ 16/5-16/8 âm lịch).

Trong trường hợp các Ban Trị sự theo truyền thống tổ chức Tiền An cư phải đảm bảo đúng các quy định của Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân các địa phương về an toàn trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn kêu gọi vận động, ủng hộ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước với số tiền trên 200 tỷ đồng; tặng vật tư y tế ủng hộ nhân dân Ấn Độ, khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai xảy ra, gây nhiều mất mát, đau thương cho nhân dân đất nước này.

Đánh giá về đóng góp của các tổ chức tôn giáo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, thời gian qua, lãnh đạo 43 tổ chức đã cam kết với Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ chấp hành tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thông điệp 5K của Bộ Y tế, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều tổ chức giáo hội đã hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông người tham dự; tạm dừng hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; chuyển sang tổ chức sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo trực tuyến; không mời đón giáo sĩ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là những quốc gia có dịch.

Đồng thời, các tổ chức tôn giáo đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo chức sắc, chức việc, tín đồ nghiêm túc, tự giác và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vừa qua là chưa đủ

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dịch COVID-19 ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, tối 26/5, sau khi một cặp vợ chồng tới Bệnh viện nhân dân Gia Định khám do xuất hiện triệu chứng viêm đường hô hấp, qua điều tra dịch tễ các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện ổ dịch mới liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng.

Đây là một Hội thánh Tin Lành tư gia, sinh hoạt tôn giáo tập trung tại địa chỉ số 205/2 đường số 1, Phường 3, quận Gò Vấp là nhà riêng của người đứng đầu điểm nhóm (ông P.V.T và bà V.X.L).

Địa điểm này đã được Ủy ban Nhân dân Phường 3 chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (Điểm nhóm) và đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật từ năm 2006, số lượng tính khi đó là 60 người, nay giảm còn 38 người (bao gồm cả người thân của tín hữu).

Theo thông tin từ chính quyền Phường 3, sinh hoạt tôn giáo của Hội thánh truyền giáo Phục hưng thời gian gần đây đã chủ yếu chuyển sang hình thức trực tuyến (online), tín đồ tham gia sinh hoạt tôn giáo tập trung thường dưới 20 người, nhưng khi nhiễm, dịch bệnh vẫn bùng phát và lây lan rất rộng.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính đến trưa 28/5, số trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo phục hưng là 44 trường hợp, bao gồm 32 hội viên, 4 trường hợp làm việc chung và 8 trường hợp tiếp xúc tại nơi ở của hội viên.

Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định, sự bùng phát của ổ dịch mới tại Hội thánh truyền giáo phục hưng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tối 26/5 cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vừa qua là chưa đủ và diễn biến mới của dịch bệnh đòi hỏi phải tăng cường, nâng cao hơn nữa mức độ phòng, chống dịch COVID-19 trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tại các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thuộc các Hội thánh Tin Lành tư gia.

Nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch

Để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, ngày 28/5, Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Nội vụ.

Các địa phương chỉ đạo rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các tổ chức chưa được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo) có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; phân công lực lượng đến từng địa bàn trọng điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, gặp gỡ chức sắc lãnh đạo từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung để tuyên truyền, vận động tạm dừng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo, thông tin về việc này trước cửa cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Đối với địa bàn đã có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng hoặc nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu tạm dừng mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và an toàn cho người tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Kịp thời động viên, khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng gương mẫu, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch.

Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với mọi tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng có hành vi không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương tiếp tục phối hợp rà soát, truy vết các tổ chức, cá nhân, điểm nhóm tôn giáo tại địa phương có liên quan đến các ca bệnh từ ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo phục hưng và chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch.

Quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề phức tạp, thông tin kịp thời về Ban Tôn giáo Chính phủ để phối hợp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng liên quan thực hiện./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nang-cao-muc-do-phong-chong-dich-covid19-trong-sinh-hoat-ton-giao/716059.vnp