Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật

Chiều 27/7, với 472/476 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Các đại biểu tại thảo luận của QH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Các đại biểu tại thảo luận của QH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Nghị quyết bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 vừa được QH thông qua, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), QH sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến vào 5 dự án luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), QH sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, cho ý kiến vào 2 dự án luật.

Tổ chức thực hiện Nghị quyết, QH yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được QH thông qua; không đề nghị bổ sung dự án ở thời điểm sát kỳ họp QH; không trình QH, Ủy ban Thường vụ QH những dự án không có trong Chương trình, dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm về hồ sơ theo quy định.

Nghị quyết nêu rõ, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo; thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động ngay từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị.

Bộ Tư pháp phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm trình QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH bảo đảm khoa học, hợp lý, cân đối và có sự chuẩn bị tiếp nối phù hợp cho năm tiếp theo; thẩm định; tham mưu, giúp Chính phủ kiểm soát chặt chẽ về hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm đầy đủ, chất lượng trước khi trình QH, UBTV QH. QH cũng yêu cầu Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình QH, UBTV QH; có biện pháp chỉ đạo các Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

QH giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu để kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH đưa vào Chương trình việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan trong công tác xây dựng pháp luật.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng pháp luật; chủ động cùng các cơ quan của Chính phủ rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc phạm vi phụ trách có nội dung bất cập hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; nâng cao chất lượng, tính phản biện trong các báo cáo thẩm tra; tăng cường giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH tăng cường năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật của QH; dành thời gian thỏa đáng để tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, nhất là ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; nâng cao chất lượng tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết…

Có thể thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sớm hơn

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 tại phiên họp, Ủy viên UBTV QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, về dự kiến Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021, nhiều ý kiến tán thành đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 như dự kiến của UBTV QH.

Có ý kiến đề nghị cần trình dự án Luật này sớm hơn hoặc trình QH cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp; có ý kiến đề nghị QH ban hành Nghị quyết để xử lý ngay một số nội dung cấp bách liên quan đến đất đai trong khi chưa kịp sửa đổi Luật Đất đai.

Theo UBTV QH, đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Vì vậy, UBTV QH đề nghị QH không ban hành ngay Nghị quyết về đất đai và cho giữ dự án Luật này trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 để thông qua trong năm 2023.

Trên cơ sở hồ sơ dự án do Chính phủ trình, thẩm tra của các cơ quan của QH và ý kiến thảo luận của các đại biểu QH, nếu dự án Luật bảo đảm chất lượng tốt, đạt sự đồng thuận cao thì UBTV QH sẽ báo cáo để QH thông qua dự án Luật này sớm hơn tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-ky-luat-ky-cuong-trong-xay-dung-phap-luat-post405047.html