Nâng cao kiến thức về An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội

Bắt đầu từ 8h10 sáng nay (11/5), tại hội trường Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến 'Nâng cao kiến thức về An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội'. Buổi giao lưu được truyền trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử laodongthudo.vn

* 8h: Ngay từ đầu buổi sáng, đã có rất đông CNLĐ đến tham dự buổi giao lưu

Buổi giao lưu nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2019 và thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019).

* 8h10: Khai mạc buổi giao lưu

Dự buổi giao lưu trực tuyến có ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội; ông Bùi Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội; ông Bùi Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội.

Đặc biệt, buổi giao lưu còn có sự tham dự của đại diện 25 Công đoàn cơ sở cùng 150 cán bộ, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) thuộc Công đoàn ngành Công thương Hà Nội.

Tại buổi giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân lao động (CNLĐ) cũng như bạn đọc trực tuyến qua Báo Lao động Thủ đô điện tử (laodongthudo.vn) có: TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; ông Nguyễn Hữu Tuyển - Trưởng phòng Giám định y tế Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội; ông Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội; ông Bùi Anh Tuấn - Phó phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội.

* 8h15: Phát biểu khai mạc buổi giao lưu

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội cho biết: Xuất phát từ tình hình thực tế, trong thời gian tới, người lao động (NLĐ) và tổ chức Công đoàn Việt Nam đứng trước thời cơ mới, thách thức mới, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết vào ngày 8/3/2018.

Do đó, Công đoàn các cấp cần phải tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của NLĐ.

Ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội

Ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội

Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức về An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội" là dịp để CNLĐ được các chuyên gia, luật sư am hiểu lĩnh vực pháp luật lao động, chính sách, tuyên truyền và giải đáp các câu hỏi liên quan đến Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ….

Thông qua đó, các doanh nghiệp cũng như người lao động (NLĐ) nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố kiến thức thiết thực và hữu ích giúp cho NLĐ có thể hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia quan hệ lao động, đồng thời có thể tự bảo vệ mình khi cần thiết.

Cũng tại buổi giao lưu, ông Bùi Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội khẳng định: Trong quá trình hoạt động, Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội đã phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn ngành Công thương Hà Nội xây dựng, thương lượng, ký kết và ban hành đầy đủ Thỏa ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế.

Ông Bùi Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội

Trong đó các chế độ, chính sách, quyền lợi cho NLĐ luôn được lãnh đạo công ty quan tâm đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm, công ty luôn thực hiện tốt việc trích nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, tổ chức khám sức khỏe, tổ chức bữa ăn ca, tham quan, nghỉ mát cho NLĐ… do vậy quyền lợi của NLĐ luôn được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. “Thông qua buổi giao lưu trực tuyến, tôi cũng mong muốn được nghe các chuyên gia phân tích, giải thích để giúp chúng tôi hiểu và thực hiện tốt hơn và cũng mong muốn các đồng chí đại biểu có mặt tại hội trường cùng chia sẻ để chúng ta có thêm kinh nghiệm” - ông Bùi Thanh Nam cho hay.

* 8h25: Tặng hoa chuyên gia

Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia.

* 8h30: CNLĐ đặt câu hỏi

Các chuyên gia trực tiếp trả lời thắc mắc từ CNLĐ

Câu hỏi 1: Công nhân Nguyễn Văn Thuần (Công ty Nhựa Hà Nội) hỏi:

Trong khi đi làm và lúc ra về mà không may bị tai nạn giao thông, thì tai nạn đó có phải là tai nạn lao động hay không và thủ tục để hưởng chế độ này như thế nào?.

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

NLĐ bị tai nạn khi làm việc, bị tai nạn trên đường đi làm, hoặc về nhà trên tuyến đường hợp lý thì sẽ được coi là tai nạn lao động.

Trong trường hợp này, nếu bạn bị suy giảm từ 5% sức khỏe trở lên thì sẽ được hưởng chế độ BHXH. Ngoài ra, nếu bạn bị suy giảm 31% sức khỏe lao động thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.

-----------------

Câu hỏi 2: Công nhân Nguyễn Minh Hòa (Công ty Toyota Hà Nội) đặt câu hỏi:

Công ty trước đây được nghỉ thứ 7 và Chủ nhật. Công ty đã thay đổi quyền làm việc là phải làm thêm các ngày cuối tuần, hỏi công ty có vi phạm pháp luật?

TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trả lời:

Trong Nội quy lao động không có làm 2 ngày thứ 7 trong tháng.

Trước hết, quy định làm 1 ngày 8 tiếng. Một tháng làm 2 ngày thứ 7, có thể thay đổi trong quá trình làm việc. Trong trường hợp này, giữa bên công đoàn và công ty có thể điều chỉnh làm.

Nếu có sự thay đổi giờ làm so với trong Nội quy lao động thì công ty phải chỉnh lại nội quy rồi đăng ký lại với có đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu không phải trả tiền lương làm thêm cho NLĐ.

-----------------

Câu hỏi 3: Công nhân Hồ Tâm Long (Công ty nhựa Hà Nội) đặt câu hỏi:

Hiện nay Công ty tôi đã trả lại sổ Bảo hiểm xã hội, tôi có thay đổi thông tin thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi không?

Ông Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Khi trả lại sổ Bảo hiểm xã hội phải trả lại đầy đủ thông tin về Bảo hiểm xã hội để NLĐ nắm được.

Khi thay đổi thông tin, đề nghị đồng chí cung cấp cho công ty để công ty cung cấp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp lại thông tin. Điều này không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của NLĐ vì cơ quan Bảo hiểm xã hội có cấp mã Bảo hiểm xã hội riêng biệt, khi có thay đổi gì trên cơ sở mã Bảo hiểm xã hội riêng biệt đó, vẫn được thanh toán chế độ thông thường.

-----------------

Câu hỏi 4: Công nhân Công ty nhựa Hà Nội đặt câu hỏi:

Ở công ty tôi có trường hợp bị tai nạn lao động, khi đi giám định thì công ty hay cơ quan Bảo hiểm xã hội phải chi trả chi phí như thế nào?

Ông Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Từ 7/2016 đến nay, theo Luật An toàn vệ sinh lao động thì cơ quan Bảo hiểm xã hội phải chi trả toàn bộ. Nhưng trước thời điểm này thì công ty phải chi trả toàn bộ.

-----------------

Câu hỏi 5: Chị Lan Hương (Công ty Toyota) đặt câu hỏi:

Trong Công ty tôi, số lao động nữ nhiều, công ty chưa thực hiện chế độ hỗ trợ cho lao động nữ trong việc phụ cấp trông giữ trẻ. Vậy công ty thực hiện có đúng hay không?

TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trả lời:

Nhà nước ta hiện có nhiều quy định, chính sách nhưng chưa có chế tài nên khó thực hiện, trong khi đó lại có những nghị định và thông tư thì buộc doanh nghiệp phải lo, mà doanh nghiệp thì không phải của Nhà nước, do đó việc thực hiện chế tài rất khó. Hiện nay, các quy định đã được hoàn thiện.

Với quy định chị vừa hỏi, thì đó chỉ là Quy định khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, do đó, đây không phải là chính sách bắt buộc. Để được hưởng chế độ này, thì phụ thuộc một phần vào vai trò của các tổ chức Công đoàn, chúng ta có thể đưa ý kiến này vào Hội nghị Người lao động để thỏa thuận, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể giữa các bên được hợp lý nhất và bảo vệ được quyền lợi NLĐ.

-----------------

Câu hỏi 6: Công nhân Nguyễn Thị Thuận (Công ty Goshi Thăng Long) hỏi:

Em gái tôi đã đóng Bảo hiểm xã hội 3 năm, sau đó được nghỉ thai sản 6 tháng. Sau thời gian nghỉ 6 tháng em gái tôi đi làm lại được mấy ngày thì xin nghỉ việc không lương 4 tháng, tiếp đó thì nghỉ việc luôn. Vậy trường hợp này em gái tôi có được thanh toán Bảo hiểm thất nghiệp không?

Ông Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Đối với trường hợp này, khi làm thủ tục hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp, thì NLĐ chỉ được tính thời gian đóng Bảo hiểm xã hội trong 3 năm, còn thời gian nghỉ thai sản và thời gian nghỉ việc không lương thì không được hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.

Để được hưởng chế độ này, em gái của bạn phải làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp gửi đến Trung tâm việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để làm thủ tục.

Tuy nhiên, điều kiện để hưởng Bảo hiểm thất nghiệp thì theo quy định NLĐ phải tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp vào tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc, thì mới được hưởng chế độ BHTN.

Đối với trường hợp của em gái bạn, do tháng tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc em gái bạn không đóng Bảo hiểm xã hội. Do đó, trường hợp này không được hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.

* 9h25: Giao lưu với CNLĐ

Ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tặng quà cho CNLĐ tham gia phần giao lưu.

Ông Bùi Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội tặng quà cho CNLĐ.

* 9h30: Các chuyên gia tiếp tục trả lời câu hỏi của CNLĐ

Câu hỏi 7: Công nhân Dương văn Đảng (Công ty Cổ phần Giầy Hồng Hà) đặt câu hỏi:

Công ty cũ có đóng bảo hiểm đầy đủ, nhưng hiện công ty đã phá sản. Công ty không giải quyết chế độ bảo hiểm cho công nhân. Vậy xin chuyên gia cho biết có giải pháp gì để công ty cũ giải quyết vấn đề bảo hiểm xã hội cho công nhân?

TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trả lời:

Việc công ty cũ có giải thể hay không, thì chính công nhân cần phải tìm hiểu xem công ty đã làm thủ tục phá sản tại tòa hay chưa? Không thể thấy công ty đóng cửa không hoạt động thì cho rằng họ phá sản. Bởi, mọi quyền lợi của NLĐ sẽ được giải quyết trong quá trình Tòa xử lý phá sản công ty.

Nếu công ty chưa có thủ tục phá sản, thì NLĐ cũng cần tìm hiểu công ty có công văn giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền chưa. Nếu có công văn giải thể thì công nhân sẽ được giải quyết quyền lợi tương tự như thủ tục phá sản công ty.

Vì vậy, nếu công ty tự ngừng hoạt động để đẩy công nhân ra đường, thì công nhân cũng cần xác minh để có cách giải quyết phù hợp.

-----------------

Câu hỏi 8: Chị Hương (Công ty Toyota Hà Nội) đặt câu hỏi:

Tôi đã đóng Bảo hiểm xã hội được 19 năm, trong trường hợp của tôi nghỉ việc thì sau 1 năm có nên yêu cầu giải quyết bảo hiểm xã hội không?

Ông Nguyễn Hữu Tuyển - Trưởng phòng Giám định y tế Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Hiện chị đã đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội. Sau 12 tháng có thể đề nghị trợ cấp bảo hiểm xã hội để giải quyết về một lần.

Tuy nhiên, tôi khuyên chị vẫn nên tham gia bảo hiểm xã hội để sau này nhận mức lương hưu cao hơn.

-----------------

Câu hỏi 9: Công nhân Ngô Thị Lan (Công ty Goshi Thăng Long) đặt câu hỏi:

Xin chuyên gia cho biết, khi đang nghỉ chế độ thai sản, thì công ty tăng lương vậy công nhân đó có được tăng lương không?

TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trả lời:

Theo luật, quy định nâng lương hoàn toàn là câu chuyện nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quy định trong quy chế tiền lương, hoặc thỏa thuận với Công đoàn công ty đưa vào Thỏa ước lao động tập thể.

Bởi vậy, trong quá trình nghỉ thai sản, tùy theo quy định nội bộ của công ty, để xét tăng lương hay không.

-----------------

Câu hỏi 10: Độc giả gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến

Bạn Nguyễn Phương Anh - Thị trấn Đông Anh, Hà Nội đặt câu hỏi: Tôi muốn nhờ báo Lao động Thủ đô hỏi các chuyên gia thắc mắc, với trường hợp người đã nghỉ hưu, có được công ty đóng Bảo hiểm xã hội nữa hay không? Tôi xin cảm ơn.

TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trả lời:

Đối với những người đã nghỉ hưu, thì sẽ không được công ty đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp nữa, nhưng vẫn được đóng Bảo hiểm y tế bên ngoài như bình thường.

-----------------

Câu hỏi 11: Công nhân Nguyễn Thị Thuận (Công ty Goshi Thăng Long) tiếp tục đặt câu hỏi:

Tôi năm nay 45 tuổi và đã đóng Bảo hiểm xã hội được 25 năm. Nay tôi có việc phải nghỉ thì tôi có được thanh toán Bảo hiểm xã hội một lần không? Đã được hưởng lương hưu trí chưa và có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, trường hợp của bạn đủ số năm đóng bảo hiểm (20 năm trở lên) nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu nên bạn chỉ được hưởng Bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp ra nước ngoài định cư hoặc mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu không bạn chỉ có thể bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội và đợi đến khi đủ tuổi để hưởng lương hưu theo quy định.

Với câu hỏi đã được hưởng lương hưu trí chưa, trường hợp của bạn năm nay mới 45 tuổi, chưa đủ điều kiện về tuổi nên không xác định được mức lương hưu ở thời điểm này.

Với câu hỏi cuối cùng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được trở cấp 3 tháng thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng.

-----------------

Câu hỏi 12: Công nhân Ngô Thị Lan (Công ty Goshi Thăng Long) tiếp tục đặt câu hỏi:

Năm 2000 chồng tôi tham gia đóng Bảo hiểm xã hội ở một công ty. Năm 2004, chồng tôi nghỉ việc nhưng nhiều năm sau không lấy được sổ Bảo hiểm xã hội. Năm 2009, chồng tôi làm việc tại công ty khác và lại được đóng Bảo hiểm xã hội và có thêm một sổ Bảo hiểm xã hội mới. Sau đó chồng tôi có đến công ty cũ lấy lại sổ Bảo hiểm xã hội nhưng lại bị sai tên. Hiện chồng tôi có 2 sổ Bảo hiểm xã hội, vậy xử lý như thế nào?

Ông Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Theo Quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, nếu trong thời gian tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tại hai nơi làm việc không trùng nhau, thì người lao động được phép gộp sổ Bảo hiểm xã hội.

Với trường hợp này, chúng ta làm thủ tục gộp sổ Bảo hiểm xã hội tại nơi đang đóng Bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn giải quyết. Còn nếu trong trường hợp NLĐ đã nghỉ việc tại cả hai nơi đã công tác, thì thủ tục gộp sổ bảo hiểm sẽ được nộp tại nơi cư trú mà bạn đăng ký.

Nếu không bạn chỉ có thể bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội và đợi đến khi đủ tuổi để hưởng lương hưu theo quy định.

-----------------

Câu hỏi 13: Độc giả gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến

Bạn Vũ Tú Vinh - Huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Đinh hỏi: Tôi xin được hỏi trường hợp bố và mẹ tôi đều tham gia Bảo hiểm xã hội, cùng nghỉ việc để chăm con ốm phải nằm viện. Mẹ nộp giấy ra viện (bản chính) cho công ty nơi mẹ công tác để thanh toán chế độ chăm con ốm. Vậy, bố nộp giấy ra viện (bản sao công chứng) cho công ty nơi bố công tác thì có được thanh toán chế độ chăm con ốm hay không?

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Đối với trường hợp này thì NLĐ hoàn toàn được hưởng các chế độ thanh toán trong thời gian nghỉ chăm con ốm.

Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định rất rõ. Để được hưởng chế độ, NLĐ cần hoàn thiện các thủ tục cần thiết và nộp tại nơi đóng Bảo hiểm xã hội để được giải quyết.

* 10h10: Giao lưu với CNLĐ

Ông Nguyễn Văn Hinh - Chủ tịch Công đoàn báo Lao động Thủ đô tặng quà cho CNLĐ.

Bà Đỗ Thị Hương Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội tặng quà cho CNLĐ.

* 10h15: Các chuyên gia tiếp tục trả lời câu hỏi của CNLĐ

Câu hỏi 14: Độc giả gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến

Ông Đỗ Ngọc Quang - Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình hỏi: Đơn vị nào có trách nhiệm huấn luyện Aan toàn vệ sinh lao động cho người lao động và huấn luyện những nội dung gì? Thời gian huấn luyện bao lâu?

TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trả lời:

Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì có chia làm 6 đối tượng NLĐ được tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Có những đối tượng phải được huấn luyện tại những đơn vị chuyên nghiệp.

Còn tại các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động với những khóa học định kỳ 1 năm/ lần.

-----------------

Câu hỏi 15: Công nhân Trần Thị Phương (Công ty Kim khí Thăng Long) đặt câu hỏi:

Bạn tôi mang thai cuối tháng 2/2019, vẫn đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 2 đến tháng 4 (nhờ đóng tại một doanh nghiệp khác). Thời điểm này khi đi khám bệnh viện yêu cầu phải nghỉ dưỡng thai vì chẩn đoán thai nhi có bệnh lý.

Vậy bạn tôi có được hưởng chế độ nghỉ thai sản hay không? Trước đó bạn tôi có đóng Bảo hiểm xã hội liên tục trong 6 tháng trước khi sinh? Thủ tục để hưởng chế độ thai sản như thế nào?

Ông Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Theo quy định Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội quy định, NLĐ mang thai và có bệnh lý, thì trước khi nghỉ dưỡng thai, ngoài việc cần phải cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết, giấy khám sức khỏe và chỉ định của bác sĩ, thì để được hưởng chế độ thai sản NLĐ cần phải đóng Bảo hiểm xã hội đủ 3 tháng (trong 12 tháng làm việc trước khi sinh).

Trong thời gian nghỉ dưỡng thai thì đây là trường hợp không phải bắt buộc đóng Bảo hiểm xã hội, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì NLĐ phải làm đủ 14 ngày/1 tháng thì mới đủ trường hợp để đóng Bảo hiểm xã hội, đối với trường hợp nếu bạn của bạn nhờ đóng Bảo hiễm xã hội tại các doanh nghiệp khác thì vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội.

-----------------

Câu hỏi 16: Độc giả gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến

Chị Lê Thị Hà - Hoàn Kiếm, Hà Nội hỏi: Lao động nữ nghỉ sinh con được 4 tháng và có nguyện vọng đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ, với trường hợp này người lao động có phải báo tăng Bảo hiểm xã hội thời gian kể từ khi người lao động đi làm sớm hay không?

Trong trường hợp người sử dụng lao động không báo tăng từ thời điểm người lao động đi làm sớm trở lại thì có bị phạt hay không? Nếu bị phạt thì ở mức nào? Quy định tại văn bản nào?

Ông Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời:

Luật Bảo hiểm xã hội quy định, trong trường hợp NLĐ được giải quyết đi làm sớm nếu có đủ sức khỏe, tuy nhiên thời gian nghỉ thai sản phải được nghỉ đủ 4 tháng. Khi đi làm trở lại trước thời gian nghỉ, NLĐ phải viết đơn xin đi làm sớm.

Khi đi làm sớm thì được tính thời gian đóng Bảo hiểm xã hội từ thời điểm đi làm. Khi đi làm, người lao động được hưởng tiền lương, tiền công bình thường, do đó là đối tượng bắt buộc phải đóng Bảo hiểm xã hội, nếu không đóng thì sẽ bị xử phạt và tính theo lãi xuất truy thu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

-----------------

Câu hỏi 17: Công nhân Nguyễn Thị Ngọc Mai (Công ty Nhựa Hà Nội) đặt câu hỏi:

Theo Thông tư 51 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, NLĐ vận hành xe nâng phải đáp ứng yêu cầu đào tạo và cấp chứng chỉ về an toàn lao động, có chứng chỉ nghề về vận hành xe nâng.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 27 năm 2013 người vận hành xe nâng chỉ cần chứng chỉ vận hành an toàn xe nâng và chứng chỉ này vẫn có hiệu lực. Vậy người này có được cấp phép vận hành xe nâng không?

TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trả lời:

Trong trường hợp bạn hỏi phải áp dụng theo Thông tư mới nhất là Thông tư 51 năm 2016.

* 10h40: Kết thúc buổi giao lưu

CNLĐ và bạn đọc cả nước có thể tiếp tục gửi các câu hỏi qua hệ thống báo điện tử laodongthudo.vn và qua đường văn bản đến báo Lao động Thủ đô.

Nhóm P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-kien-thuc-ve-an-toan-lao-dong-va-bao-hiem-xa-hoi-91009.html