Nâng cao kiến thức 'mỗi xã một sản phẩm' cho thanh niên

Ngày 27/7, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị trực tuyến Tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên và chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.

Ngày 27/7, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị Tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên và chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".Tham dự chương trình có Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân - Trưởng ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn cho biết: Hội nghị Tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên và chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là chương trình mở đầu cho chuỗi hội nghị tập huấn trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng nông sản của thanh niên.

Chuỗi hội nghị tập huấn gồm các nội dung: Trang bị kiến thức về phát triển kinh tế và OCOP; Hướng dẫn lập dự án kinh doanh, sản xuất để đăng ký tham gia OCOP; Hướng dẫn quản lý sản xuất, xây dựng thương hiệu, marketing, trao đổi hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá sản phẩm tham gia OCOP.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ tại chương trình

Chị Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ tại chương trình

Bên cạnh hình thức tổ chức trực tuyến, đại biểu tham gia Hội nghị còn có thể tiếp cận các tài liệu, thông tin liên quan bằng nhiều hình thức hiện đại như chatbot, quét mã QR...

Tại Hội nghị, các bạn trẻ đã được nhiều chuyên gia đầu ngành kinh tế, khởi nghiệp hướng dẫn tăng cường hỗ trợ thanh niên làm kinh tế giai đoạn 2018-2022; tìm hiểu về OCOP, cách lập hồ sơ và hoàn thiện các điều kiện cho chủ thể OCOP.

Đồng thời, có dịp tìm hiểu về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế; các chính sách thuế, pháp lý, xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; các chương trình vay vốn, cách đăng ký thông tin và nộp hồ sơ trên phần mềm OCOP.

TS Bùi Đình Hòa chia sẻ tại chương trình về OCOP

TS Bùi Đình Hòa (ĐH Nông Lâm Thái Nguyên) giới thiệu về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo ông Hòa, OCOP khác với những chương trình khác như VietGap, Làng nghề..., cụ thể: Giải pháp tổng thể để phát triển kinh tế khu vực nông thôn; có chu trình thường niên; gắn sản phẩm với chủ thể; có hệ thống tổ chức từ trung ương đến cơ sở; có lực lượng tư vấn; có bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng...

Mỗi xã một sản phẩm tham gia được công nhận thì có giấy chứng nhận. Tính đến ngày 30/4/2020 có 32 tỉnh thành tổ chức đánh giá xếp hạng với 1.701 sản phẩm.

Theo Ban Tổ chức, chương trình tiếp theo trong chuỗi hội nghị tập huấn trực tuyến dự kiến diễn ra vào ngày 3/8 tới đây.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nang-cao-kien-thuc-moi-xa-mot-san-pham-cho-thanh-nien-1694799.tpo