Nâng cao hiệu quả vốn vay

Ngay trong tháng làm việc đầu tiên của năm 2019, người đứng đầu Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.

Có thể coi đây là sự phản hồi kịp thời và đầy trách nhiệm của Chính phủ sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, khi nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những bất cập trong sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển (ODA), từ sự chậm trễ trong phê duyệt dự án, hiệu quả sử dụng thấp cho đến những tiêu cực trong quá trình quản lý, sử dụng nguồn vốn này.

Cần nhắc lại rằng, kể từ tháng 1, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã không còn dành cho Việt Nam nguồn vốn ADF - nguồn vốn ODA ưu đãi nhất. Trước đó, kể từ tháng 7-2017, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã chấm dứt cho Việt Nam vay vốn IDA (Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA), tổ chức trực thuộc nhóm WB), tiến tới cho vay theo điều kiện thị trường.

Chính sách của 2 nhà tài trợ đa phương lớn nhất là vậy, các nhà tài trợ khác chắc chắn sẽ có những động thái tương tự. Đó là chưa kể một số loại phí đã bắt đầu được áp dụng sòng phẳng, chẳng hạn như phí cam kết (tiền phải trả cho những khoản vốn vay đã cam kết nhưng không giải ngân được). ADB tính khoản phí này 0,15%/năm trên tổng số tiền chưa giải ngân. Chậm trễ đồng nghĩa với tốn kém.

Liên quan đến nguồn vốn ODA, không phải chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà còn có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương. Toàn bộ máy phải cùng chuyển động để rút ngắn quá trình đàm phán, ký kết, phân bổ và sử dụng vốn, làm sao để nhanh hơn, thuận lợi hơn, nhưng phải minh bạch hơn, bảo đảm tuân thủ đúng quy trình pháp luật. Hiện nay, thời gian chuẩn bị cho mỗi dự án có nguồn vốn ODA không chỉ 6 tháng, mà trung bình khoảng 2-3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm. Quá trình quản lý, sử dụng còn nhiều vấn đề lớn.

Trong báo cáo cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng, giải ngân thực tế luôn vượt xa so với dự toán hàng năm, gây bội chi, vỡ kế hoạch tài chính. Thế nhưng, nếu xét riêng từng dự án, có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn, có dự án lại ì ạch giải ngân mãi không xong. Dự án Quản lý thiên tai (WB5), kế hoạch bố trí 13,6 tỷ đồng, nhưng thực tế giải ngân tới 113,096 tỷ đồng (gấp hơn 8 lần); Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị vốn bố trí 57 tỷ đồng, giải ngân 116,278 tỷ đồng (gấp 2 lần)...

Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Tetsuo Konaka có lần than thở với báo giới rằng, việc Việt Nam chậm giải ngân vốn cho các dự án ODA ngày càng trở nên trầm trọng, mà một lý do quan trọng là quy trình Chính phủ đi vay và cấp phát cho địa phương, khiến địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi, nên nhiều dự án thoải mái đội vốn, “rùa bò”...

Dù không ai ngây thơ nghĩ rằng đây thuần túy là nguồn vốn “ngon, bổ, rẻ” nhưng vốn ODA vẫn tiếp tục là nguồn vốn bổ trợ quan trọng cho nền kinh tế. Trong lúc hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài thì dự kiến giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn ODA có thể đàm phán, ký kết đạt khoảng 20-25 tỷ USD và giải ngân đạt khoảng 25-30 tỷ USD (bao gồm cả 22 tỷ USD đã đàm phán, ký kết của các giai đoạn trước chưa kịp giải ngân).

Như đã nêu, Chỉ thị 03/CT-TTg đưa ra những giải pháp toàn diện nhằm thay đổi phương thức giải ngân vốn của các dự án vay vốn ODA thông qua việc giao cho các bộ ngành, địa phương xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đầu tư công 5 năm và hàng năm đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; tổ chức đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật… Chỉ khi thực hiện có hiệu quả các giải pháp toàn diện này, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu sử dụng vốn ODA như chất xúc tác để khơi dòng cho các nguồn vốn khác cùng chảy mạnh, đem lại thịnh vượng bền vững cho nền kinh tế.

ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-von-vay-65705.html