Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động

Tính đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có trên 34 ngàn tổ chức, doanh nghiệp (DN) thuộc các loại hình kinh tế đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh với trên 1,2 triệu lao động đang làm việc.

Doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức mới đây. Ảnh: H. Thảo

Doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức mới đây. Ảnh: H. Thảo

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

* Vẫn còn vi phạm pháp luật lao động

Ông Cao Duy Thái, phụ trách Phòng Chính sách lao động Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, đến nay tỷ lệ DN xây dựng và gửi thông báo thang lương, bảng lương đạt tỷ lệ trên 70% tổng số DN có 10 lao động trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ DN xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng; quy chế nâng bậc lương còn hạn chế (chỉ đạt 54%). Ở một số DN, việc nâng lương, trả lương được thực hiện theo kế hoạch hằng năm khi đến kỳ nâng lương và phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN mà chưa xây dựng thành quy chế trả lương, nâng lương cụ thể.

Trong 9 tháng của năm 2019, Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội đã thực hiện 136 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 136 tổ chức, DN. Qua đó, đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 29 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là hơn 3,3 tỷ đồng.

Một số vi phạm chủ yếu bị xử phạt như: tổ chức cho NLĐ làm thêm giờ vượt qua thời gian quy định; phân loại chưa đầy đủ số lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động...

Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay 100% NLĐ thuộc diện phải ký hợp đồng lao động đều được ký hợp đồng lao động; tuy nhiên ở nhiều DN, nội dung trong hợp đồng lao động chưa ghi đầy đủ hoặc ghi chưa cụ thể; ký kết theo loại hợp đồng lao động không đúng theo quy định, những công việc mang tính chất thường xuyên nhưng lại ký hợp đồng lao động có thời hạn hoặc theo mùa vụ.

Ông Thái cũng cho hay, bên cạnh những DN thực hiện tốt các quy định về quy chế dân chủ cơ sở thì vẫn còn một số DN chưa thực hiện đầy đủ các quy định; việc thực hiện ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thật sự mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, về thỏa ước lao động tập thể, ở một số DN tuy có thực hiện các quy định có lợi hơn cho NLĐ nhưng không đưa vào thỏa ước lao động tập thể của DN.

Trong khi đó, nói về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm tại các DN, bà Hồ Thị Tú, Phó phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết, tính đến nay, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 495,5 tỷ đồng (trong đó nợ BHXH là 357,1 tỷ đồng, còn lại là nợ BHYT, BHTN và nợ lãi). Tỷ lệ nợ BHXH ở Đồng Nai tuy thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và các địa phương lân cận nhưng số nợ cục bộ còn cao và thời gian nợ kéo dài… Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng các DN vẫn chậm khắc phục, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ trong quá trình giải quyết các chế độ theo quy định.

* Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo bà Hồ Thị Tú, để tồn tại thực trạng trên là do còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật lao động và Luật BHXH. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung và BHXH nói riêng phần lớn mới chỉ bao phủ được đối với các DN quy mô vừa và lớn, chưa bao phủ đầy đủ đến các DN có quy mô nhỏ, DN tư nhân và chủ DN là người nước ngoài. Việc chấp hành các quy định về BHXH ở một số DN còn hạn chế, đặc biệt ở nhóm các DN nhỏ và siêu nhỏ. Số lượng DN phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng; việc xử lý nợ BHXH, BHTN kéo dài đối với một số DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết.

Người lao động Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) trong giờ sản xuất.. Ảnh: H.Thảo

Còn theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, mặc dù đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại nhiều DN nhưng số lượng DN được kiểm tra và trực tiếp hướng dẫn so với số DN trên địa bàn tỉnh còn ít; chưa xử lý kịp thời đối với những DN có hành vi vi phạm pháp luật lao động. Chưa có biện pháp phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp có hành vi ép buộc, kích động, lôi kéo đình công. Hiệu quả, khả năng xử lý của các hòa giải viên vẫn còn hạn chế.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng cho biết, phát huy vai trò của mình, các cấp Công đoàn trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về pháp luật lao động cho NLĐ; xác định đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của tổ chức Công đoàn.

Tuy nhiên, ông Hồ Thanh Hồng cũng cho rằng, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật đến NLĐ của các cấp Công đoàn vẫn còn khó khăn. Cụ thể như: việc phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và DN ở một số DN vẫn còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ Công đoàn có kiến thức pháp luật chuyên sâu còn mỏng. Hầu hết cán bộ Công đoàn đều là kiêm nhiệm, chưa toàn tâm, toàn ý đầu tư thời gian và trí tuệ cho công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật tại DN. Mặt khác, kinh phí, cơ sở vật chất dành cho công tác tuyên truyền còn hạn hẹp, nhất là ở cơ sở… dẫn đến hiệu quả của công tác này chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Theo Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp, kể từ ngày 1-1-2019, người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất 1 lần/năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ. Nội dung tự kiểm tra pháp luật lao động bao gồm: việc thực hiện báo cáo định kỳ; việc tuyển dụng và đào tạo lao động; việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi…

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/201910/nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-phap-luat-lao-dong-2970378/