Nâng cao hiệu quả thực hiện 'Ngày Biên phòng toàn dân'

Ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT về việc tổ chức 'Ngày Biên phòng' 3-3 hằng năm; Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 3 (năm 2003) đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó, lấy ngày 3-3 hằng năm là 'Ngày Biên phòng toàn dân' nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Để làm rõ hơn những kết quả đạt được trong thực hiện 'Ngày Biên phòng toàn dân' ở thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Đồng chí Huỳnh Cách Mạng. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng

- Để thực hiện hiệu quả “Ngày Biên phòng toàn dân”, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có những biện pháp gì để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn, thưa đồng chí?

- Để thực hiện hiệu quả “Ngày Biên phòng toàn dân”, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Thành ủy đã ban hành Thông tri số 57-TT/TU ngày 2-12-1989 về “Tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng”. Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, UBND thành phố ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các quận, huyện ủy địa bàn khu vực biên giới biển ký kết Quy chế phối hợp với Đảng ủy BĐBP thành phố; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân khu vực biên giới biển về vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển.

Thông qua công tác tuyên truyền về “Ngày Biên phòng toàn dân” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã làm cho các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp và các ban, ngành, đoàn thể trong thành phố nhận thức đúng đắn; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả “Ngày Biên phòng toàn dân”. Đồng thời, công tác tuyên truyền về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, về công tác biên phòng cũng làm cho nhận thức của cán bộ, nhân dân được nâng lên, từ đó huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ với lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển của thành phố.

- Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả đạt được qua thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh?

- Những năm qua, UBND thành phố đã chủ trương quy hoạch, xây dựng, mở rộng hệ thống cảng biển; mở rộng tuyến đường nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố; nâng cấp hệ thống kè đá chắn sóng ở tuyến biển Cần Giờ; xây dựng các công trình phòng chống lụt bão, triều cường; đưa điện, nước sạch và trợ giá phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; hiện đại hóa mạng lưới viễn thông; nâng cấp và xây mới hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế... Đồng thời, tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh du lịch sinh thái, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản; phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ở địa bàn khu vực biên giới biển.

Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với MTTQ và BĐBP thành phố vận động, quyên góp xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”; xây dựng các công trình dân sinh góp phần chăm lo tốt hơn cho gia đình chính sách, gia đình nghèo ở địa bàn khu vực biên giới biển. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn với việc xây dựng các công trình phòng thủ tác chiến ở từng địa bàn, khu vực. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế.

Bên cạnh đó, UBND thành phố thường xuyên hỗ trợ BĐBP thành phố Hồ Chí Minh về trang bị phương tiện, nhiên liệu phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng và sửa chữa doanh trại cơ quan, đồn, trạm Biên phòng; hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án khai báo thủ tục biên phòng qua thư điện tử, thực hiện quản lý, kiểm soát người lên xuống tàu tại cổng cảng bằng thẻ từ. Từng bước đầu tư trang bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cửa khẩu cảng... Năm 2017, UBND thành phố đã thông qua Đề án “Xây dựng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đến năm 2020 và những năm tiếp theo” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và hội nhập, phát triển của thành phố.

- Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần làm gì để thực hiện hiệu quả các nội dung của “Ngày Biên phòng toàn dân”, thưa đồng chí?

- Để động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của thành phố cần tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; quản lý và điều hành của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh toàn diện.

Ngày 4-12-2018, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng 10 ca nô cao tốc do UBND thành phố hỗ trợ kinh phí. Ảnh: Đức Thắng

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, kích động phá hoại sự nghiệp cách mạng của các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị. Tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới Tổ quốc, mở rộng các hình thức an ninh tự quản tại cộng đồng gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo vệ môi trường, tài nguyên...

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án cải cách thủ tục hành chính theo Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 3-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “Thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển”; Nghị định 07/2017/NĐ-CP ngày 25-1-2017 của Chính phủ về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các công ty, doanh nghiệp, tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào cảng biển thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, cửa khẩu cảng của thành phố. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp với BĐBP và các lực lượng liên quan trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh biên giới; tạo điều kiện hỗ trợ, động viên BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Đức Thắng (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-ngay-bien-phong-toan-dan/