Nâng cao hiệu quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do

Chiều 23/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, đã làm việc với Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Thực hiện chương trình giám sát năm 2020, UBTV Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Theo kế hoạch, trên cơ sở xem xét các báo cáo kết quả các cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và các tổ chức, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan để đánh giá kết quả cũng như hạn chế, tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. Việc phân tích đầy đủ nguyên nhân và xác định rõ trách nhiệm để có giải pháp kiến nghị khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác này thời gian tới.

Báo cáo của Tổ giúp việc cho thấy, Đoàn giám sát đã tổ chức 3 cuộc làm việc với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tại các cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng, lợi ích mà FTA mang lại rõ nét, như tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế. Tuy nhiên còn nhiều hạn chế, thách thức mà Việt Nam vẫn phải đối mặt như: Giá trị tăng đóng góp trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là thấp, tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ (CO) thấp, áp dụng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu; xử lý tranh chấp trong tương lai; những nội dung về lao động, sở hữu trí tuệ, tham nhũng trong các FTA.

Bên cạnh đó, Tổ giúp việc cũng nhận thấy, sự sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp cũng là vấn đề đặt ra trong thực thi FTA. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, các chỉ số cốt lõi về cạnh tranh như: thể chế, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề còn thấp. Về công tác tổ chức, có ý kiến cho rằng hiện còn thiếu đầu mối công tác thực hiện FTA của Chính phủ cũng như đầu mối tại từng bộ, ngành Trung ương. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA và thị trường các nước đối tác cũng cần được cải tiến, hiện đại.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng và là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế, là bộ phận quan trọng xuyên suốt công cuộc đổi mới của nước ta. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh việc đa phương hóa quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA, các FTA thế hệ mới. Sau khi gia nhập WTO vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực, 3 FTA đang đàm phán. Nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đánh giá về cơ hội mà các FTA mang lại, Phó Thủ tướng cho rằng, các FTA đã và đang giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy hoàn thiện chính sách theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, mở cửa với tất cả các đối tác trên thế giới, là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Để kịp thời triển khai các FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định tiêu chuẩn và quy tắc xuất xứ, biểu thuế các loại hàng hóa để hướng dẫn chi tiết các cam kết các quy định trong các FTA; phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác thực thi FTA.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-508292.html