Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Hà Nội đã cơ bản chuyển đổi xong hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là điều kiện thuận lợi để từng bước hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã, mở rộng liên kết trở thành liên hiệp hợp tác xã chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giải quyết những yếu kém nội tại và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt

Chủ động liên kết, hợp tác

Trước đây, các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Phúc Thọ chủ yếu ở quy mô thôn. Do quy mô nhỏ nên hầu hết các hợp tác xã đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, nâng cao thu nhập cho thành viên. Chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, huyện Phúc Thọ chỉ còn 23 hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều thành viên đã chủ động liên kết với nhau thành lập hợp tác xã quy mô vùng đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hợp tác xã Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ là một điển hình. Theo bà Dương Thị Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ, năm 2014, hợp tác xã được thành lập với 70 thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp.

Trên diện tích 2,5ha, các thành viên Hợp tác xã Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ đã góp vốn xây dựng chuồng trại có quy mô nuôi 5.000 con lợn thương phẩm, 8.000 con vịt, 200 con bò lai sind và dành 1.000m2 nuôi trồng thủy sản. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn, mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 600 tấn lợn thịt, gần 300 tấn cá và hàng triệu quả trứng vịt. Trừ chi phí, lợi nhuận của hợp tác xã thu được hơn 1 tỷ đồng/năm. Là thành viên Hợp tác xã Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ, ông Nguyễn Hữu Tuân cho biết: "Do tự chủ về kinh tế nên Ban Quản trị hợp tác xã đã năng động, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương...".

Không chỉ liên kết giữa các thành viên trong một hợp tác xã, liên kết giữa các hợp tác xã, nhiều đơn vị đã chủ động liên kết với các hợp tác xã của các tỉnh, thành phố trong cả nước để sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hợp tác xã Sông Hồng ở huyện Đông Anh là một ví dụ. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng Lê Văn Tám cho biết, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2012, hợp tác xã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau, củ an toàn trên diện tích 1.500m2 và trồng dưa lưới. Năm 2017, hợp tác xã tiếp tục thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh công nghệ vi sinh.

"Bằng cách làm bài bản, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của hợp tác xã đều phát huy hiệu quả, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch của người dân Hà Nội khá lớn, Hợp tác xã Sông Hồng đã liên kết với Hợp tác xã Hoa Phong ở tỉnh Quảng Ninh thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Hoa Phong - Sông Hồng. Thông qua liên kết, nhiều mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Quảng Ninh đã được đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại" - ông Lê Văn Tám nói.

Theo Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, sau chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.758 hợp tác xã và 4 liên hiệp hợp tác xã gồm: Liên hiệp Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ nông sản an toàn Hà Nội; Liên hiệp Hợp tác xã Hoa Phong - Sông Hồng; Liên hiệp Hợp tác xã Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Sản xuất - Xuất nhập khẩu nông sản, dược liệu Rồng Việt.

Loại bỏ hợp tác xã yếu kém

Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

Triển khai thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 của Chính phủ, ngày 16-11 vừa qua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Công văn số 5630/UBND-KT, chỉ đạo sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp và xử lý dứt điểm các hợp tác xã nông nghiệp đã ngừng hoạt động lâu ngày. Theo đó, các địa phương rà soát, lập danh sách hợp tác xã hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động, xác định rõ nguyên nhân để củng cố tổ chức bộ máy và thành viên với quy mô phù hợp, đồng thời xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của hợp tác xã...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm chia sẻ, thực hiện chủ trương của thành phố, từ nay đến năm 2020, huyện lựa chọn 2 hợp tác xã trên địa bàn hoạt động hiệu quả để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau an toàn. Cùng với đó, huyện Quốc Oai đứng ra làm trung gian hỗ trợ thành lập thêm nhiều liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích hợp tác xã liên kết sản xuất nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân...

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Trung Thành, thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngoài việc đôn đốc các địa phương giải thể bắt buộc đối với các hợp tác xã yếu kém, đã ngừng hoạt động lâu ngày, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ tập trung củng cố, xây dựng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững cho các mặt hàng nông sản theo vùng, liên vùng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, mỗi địa phương cần gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nông nghiệp; đồng thời, tập trung phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp vừa sản xuất vừa làm dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất hộ thành viên, nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp... Khi đó, những yếu kém nội tại của hợp tác xã bấy lâu nay sẽ từng bước được giải quyết.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/919143/nang-cao-hieu-qua-san-xuat-kinh-doanh