Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia

Dự trữ quốc gia (DTQG) là nguồn dự trữ chiến lược được hình thành từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác, do Nhà nước quản lý, nhằm chủ động đáp ứng những mục tiêu, yêu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Từ ý nghĩa đó cần thiết phải tăng cường công tác quản lý để đảm bảo nguồn lực DTQG được sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách trong mọi tình huống.

Hệ thống kho dự trữ quốc gia từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa.

Hệ thống kho dự trữ quốc gia từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa.

Thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia giai đoạn 2011- 2022

Giai đoạn 2011- 2022, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế - xã hội - chính trị có những diễn biến thuận lợi và khó khăn đan xen.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, linh hoạt và kịp thời của Chính phủ, của Bộ Tài chính, nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG) đã phát huy nhiều mặt tích cực, là công cụ tài chính hữu hiệu nhằm thực hiện vai trò can thiệp của Nhà nước trong việc điều hành nền kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Những kết quả đạt được

Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, cụ thể:

(i) Chính sách, pháp luật về DTQG đã được thể chế ở khung pháp lý cao nhất đó là Luật DTQG (được Quốc hội thông qua năm 2012).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 3 nghị định hướng dẫn thi hành; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục DTNN, quyết định phê duyệt quy hoạch, chiến lược, quy chế để quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Bộ Tài chính đã ban hành gần 40 thông tư hướng dẫn các hoạt động DTQG (kế hoạch và dự toán NSNN chi cho DTQG; mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG; chế độ kế toán, thống kê DTQG, quản lý chất lượng, định mức kinh tế-kỹ thuật hàng DTQG…).

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, đảm bảo thống nhất, đồng bộ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động DTQG. Quá trình thực hiện, các quy định pháp luật về DTQG đã được các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ nghiêm túc, đúng quy định.

(ii) Quy mô DTQG đã từng bước được nâng lên, đến cuối năm 2022, tổng mức DTQG đã tăng gấp gần 1,5 lần năm 2015 và gấp khoảng 2 lần so với năm 2010, góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp, sử dụng hàng DTQG.

(iii) Nguồn lực DTQG được quản lý và sử dụng đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ phát sinh.

Từ năm 2011 đến năm 2022, thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo xuất cấp lượng hàng hóa trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó đã xuất cấp khoảng 1.400.000 tấn gạo, trị giá trên 14.000 tỷ đồng (khoảng 600.000 tấn gạo để cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; khoảng 650.000 tấn gạo để hỗ trợ học sinh ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các dự án trồng rừng và xuất gần 50.000 tấn gạo để viện trợ cho các nước theo các quyết định của cơ quan có thẩm quyền) cùng nhiều mặt hàng vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn; hàng quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, y tế.

Hàng DTQG xuất cấp đã góp phần ổn định đời sống, ổn định sản xuất của Nhân dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến hết năm 2022, xác định được vai trò, tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn lực DTQG hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ có các quyết định xuất cấp hàng DTQG với tổng trị giá gần 2.000 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó xuất cấp trên 140.000 tấn gạo để hỗ trợ Nhân dân ổn định cuộc sống trong vùng bị dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế đã xuất cấp các mặt hàng cho các đơn vị và hỗ trợ các tỉnh, thành phố phòng chống dịch đạt hiệu quả cao, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

(iv) Danh mục mặt hàng DTQG đã được rà soát, sắp xếp và đổi mới. Đã xuất bán, xuất giảm một số mặt hàng có thời hạn bảo quản ngắn, không còn phù hợp ra khỏi Danh mục hàng DTQG như xe phát thanh lưu động (của Đài Tiếng nói Việt Nam), dầu hỏa (của Bộ Công Thương), thuốc bảo vệ thực vật (của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

(v) Quản lý hoạt động DTQG tại các bộ, ngành đã được tổ chức tốt; bộ máy tổ chức quản lý DTQG được kiện toàn và phát triển; nguồn nhân lực được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Đối với cơ quan quản lý DTQG chuyên trách (Tổng cục DTNN) đã rà soát, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, đảm bảo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn; kết hợp phân định chức năng, nhiệm vụ gắn với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức cả về số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

(vi) Quản lý chất lượng và bảo quản hàng DTQG được quan tâm, tăng cường; hàng DTQG được bảo quản theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật. Hệ thống kho DTQG từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa các kho và thực hiện thuê kho bảo quản của các doanh nghiệp để phục vụ công tác bảo quản hàng DTQG, sẵn sàng xuất cấp đáp ứng mục tiêu DTQG.

(vii) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động DTQG đã được triển khai thường xuyên; các đơn vị đã chấn chỉnh và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và DTQG nói riêng.

Qua thanh tra, kiểm tra đã đề xuất các giải pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý DTQG, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trên cả nước.

(viii) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực DTQG đã từng bước được tăng cường; giai đoạn 2011- 2020, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về DTQG của các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Nam Phi, Australia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Qua đó nghiên cứu, tiếp thu có hiệu quả kinh nghiệm của Hệ các nước để vận dụng trong công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG ở Việt Nam.

(ix) Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về DTQG đã được phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân thông qua nhiều hình thức như: Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức giới thiệu các quy định pháp luật mới về DTQG; đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài chính và của Tổng cục DTNN theo quy định. Nhờ đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về DTQG đã được triển khai kịp thời và có hiệu quả.

Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động DTQG trong thời gian qua, ngành DTNN cũng đối diện với những tồn tại, hạn chế sau:

Một là, tổng mức DTQG còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Chiến lược phát triển DTQG đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, tổng mức DTQG đạt khoảng 0,8 - 1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP. Kết quả thực hiện đến năm 2015 đạt 0,21% và đến năm 2020 đạt 0,18%, còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Hai là, danh mục chi tiết và phân công cơ quan quản lý còn một số bất cập; số lượng mặt hàng DTQG lĩnh vực quốc phòng, an ninh hiện còn nhiều, một số mặt hàng bảo quản đã lâu năm, phải thường xuyên tăng hạng, thay thế để đảm bảo hiệu quả khi đưa ra sử dụng.

Một số mặt hàng giai đoạn vừa qua chưa thực hiện xuất cấp theo các mục tiêu DTQG, như xăng dầu, nhiên liệu hàng không, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại màu, cần thiết phải có cơ chế bảo quản đặc thù riêng hoặc xuất bán, giảm dần ra khỏi danh mục hàng DTQG.

Ba là, mức dự trữ một số mặt hàng thiết yếu còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 như: Lương thực (đạt khoảng 80%); Xăng dầu (đạt khoảng 74%); mặt hàng vật tư, nông nghiệp, y tế tồn kho ở mức thấp. Đối với các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh, tồn kho còn mỏng, thiếu các mặt hàng tiên tiến, hiện đại để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bốn là, nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho bảo quản còn thấp, chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt. Nguồn vốn bố trí cho cải tạo, sửa chữa kho còn hạn chế, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhập, xuất, bảo quản; dẫn đến, các bộ, ngành còn phải tận dụng nhiều kho cũ để chứa hàng DTQG; chưa ban hành được tiêu chuẩn kho DTQG.

Năm là, công tác xã hội hóa DTQG đã được quy định tại Luật DTQG và nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành, tuy nhiên quá trình thực hiện còn hạn chế, chưa huy động được nguồn lực để phát triển DTQG theo mục tiêu đề ra.

Những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể:

- Về khách quan: Giai đoạn vừa qua, nguồn lực DTQG được bố trí từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong khi đó NSNN còn gặp nhiều khó khăn. Việc cân đối chi cho DTQG còn tùy thuộc vào cân đối chung, chưa được bố trí theo định hướng đề ra (theo tỷ lệ % GDP).

Giai đoạn 2011- 2022, mức bố trí chi cho DTQG tuy có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ tăng đáp ứng được khoảng 50-60% so với nhu cầu đặt ra hàng năm; do đó, không đạt được mục tiêu Chiến lược đã đề ra.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng kho DTQG còn hạn chế, phụ thuộc vào cân đối chung của chi đầu tư phát triển, mới đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Về chủ quan: Việc thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm tại nhiều bộ, ngành còn chưa kịp thời, dẫn tới lượng hàng hóa nhập kho trong năm còn thấp làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Việc rà soát danh mục hàng DTQG tại các bộ, ngành còn chưa thực hiện thường xuyên; một số bộ, ngành được phân công quản lý hàng DTQG nhưng chưa quan tâm, đề xuất mua tăng các mặt hàng đưa vào DTQG nên không có hàng dự trữ...

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trên và nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này, cần rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới như sau:

(i) Phải có nguồn lực DTQG đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, bố trí ở các khu vực, địa bàn chiến lược trong cả nước để chủ động, sẵn sàng đáp ứng mục tiêu của DTQG và các nhiệm vụ khác được giao.

(ii) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch DTQG 5 năm và hàng năm phải dựa trên nhu cầu thực tiễn nhiệm vụ; đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối của NSNN để cấp có thẩm quyền có cơ sở bố trí nguồn lực nhằm chủ động, ứng phó nhanh với những tình huống đột xuất cấp bách xảy ra.

(iii) Trong chỉ đạo, điều hành cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo; phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ DTQG được giao.

(iv) Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành quản lý hàng DTQG với các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động và sử dụng nguồn lực DTQG để ứng phó với những tình huống đột xuất cấp bách xảy ra.

(v) Giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN và DTQG; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia trong giai đoạn mới

Để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ DTQG đã đề ra, trong giai đoạn tới, ngành DTNN xác định rõ quan điểm mục tiêu và các giải pháp cần triển khai đồng bộ.

Về quan điểm

DTQG là nguồn lực dự phòng chiến lược, được hình thành từ NSNN và các nguồn lực hợp pháp huy động từ xã hội, trong đó nguồn lực NSNN giữ vai trò chủ đạo, nhằm chủ động, kịp thời đáp ứng mục tiêu của DTQG và các nhiệm vụ khác được giao.

Hoạt động DTQG tuân thủ theo quy định của pháp luật, dưới sự điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nguồn lực DTQG được bố trí cân đối, hài hòa tại các vùng lãnh thổ, tuyến chiến lược trong cả nước, đáp ứng kịp thời mục tiêu và các nhiệm vụ khác được giao.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng bảo quản hàng DTQG; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Về mục tiêu tổng quát

Nâng cao hiệu quả quản lý, huy động, sử dụng nguồn lực DTQG. Xây dựng lực lượng DTQG có quy mô đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, danh mục mặt hàng chiến lược, thiết yếu để sẵn sàng, chủ động đáp ứng kịp thời, hiệu quả các mục tiêu DTQG và các nhiệm vụ khác được giao.

Để đạt được mục tiêu tổng quát này, ngành DTNN đã đề ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm:

(i) Nguồn lực DTQG phải được ưu tiên bố trí từ NSNN và huy động các nguồn lực hợp pháp ngoài NSNN để tăng cường tiềm lực DTQG;

(ii) Mức DTQG một số mặt hàng thiết yếu phải tăng dần hàng năm, nhằm đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao;

(iii) Hệ thống kho DTQG đến năm 2030 cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh theo hướng tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, tập trung tại các vùng chiến lược trong cả nước; nguồn vốn đầu tư kho DTQG phải được bố trí theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

(iv) Đầu tư nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam;

(v) Đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Về các giải pháp

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về DTQG bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật DTQG và các văn bản hướng dẫn thi hành và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Nghiên cứu xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích, huy động và quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội hóa DTQG.

- Quản lý chặt chẽ nguồn lực NSNN và các nguồn lực hợp pháp khác chi cho DTQG. Tập trung xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm, trong đó ưu tiên mua sắm các mặt hàng thiết yếu, chiến lược đưa vào DTQG và bố trí dự trữ tại các địa bàn trọng điểm, các khu vực chiến lược trên cả nước để bảo đảm chủ động ứng phó nhanh, hiệu quả khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.

- Tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn bố trí từ NSNN để xây dựng hệ thống kho DTQG theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng được đồng bộ, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nội bộ và quản lý hàng DTQG. Rà soát, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy quản lý hàng DTQG, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ tại các bộ, ngành quản lý hàng DTQG trong quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quan hệ với các nước tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao công nghệ bảo quản hàng DTQG và công nghệ xây dựng hệ thống kho DTQG.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội về hoạt động DTQG.

Từ thực tiễn quản lý DTQG giai đoạn vừa qua, trước những dự báo về các nhân tố có ảnh hưởng đến hoạt động DTQG, trong giai đoạn tới, việc quản lý nguồn lực DTQG phải được đổi mới theo hướng chủ động, hiệu quả hơn nhằm sẵn sàng đáp ứng nhanh, kịp thời trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, để DTQG thực sự là một trong những công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2/2023

Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-su-dung-nguon-luc-du-tru-quoc-gia.html