Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công: Cẩn trọng huy động vốn, siết vay, kiểm soát phân bổ

Trong Báo cáo về tình hình nợ công gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến các chỉ số nợ công đều nằm trong giới hạn an toàn.

Chính phủ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ của DN. Ảnh: H.Vân.

Đến cuối năm 2017, dư nợ công khoảng 62,6% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP. Điều này phần nào chứng minh các giải pháp Chính phủ đặt ra đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực.

Hoàn thành kế hoạch huy động vốn

Theo kế hoạch, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2017 là 316.300 tỷ đồng bao gồm vay bù đắp bội chi NSTƯ 172.300 tỷ đồng (bằng 3,38% GDP), vay để trả nợ gốc của NSTƯ 144.000 tỷ đồng.

Về nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2017, căn cứ danh mục nợ của Chính phủ hiện hành, nghĩa vụ nợ của Chính phủ trong năm 2017 khoảng 260.150 tỷ đồng, gồm trả nợ trong nước là 214.878 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài trực tiếp là 28.022 tỷ đồng; trả nợ của các dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong năm 2017 ở mức khoảng 17.250 tỷ đồng. Nguồn trả nợ được bố trí trong dự toán chi NSTƯ để trả nợ lãi, phí và nguồn huy động vay mới, bố trí từ bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư để trả nợ gốc. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (gồm cả trong nước và nước ngoài) được tính trong cân đối NSTƯ là 242.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay lại trực tiếp thực hiện trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại khoảng 17.250 tỷ đồng. Kết quả, tổng mức trả nợ 9 tháng đầu năm là 213.316 tỷ đồng (bằng 82% kế hoạch), trong đó trả nợ được bố trí trong dự toán chi NSTƯ là 200.417 tỷ đồng, trả nợ vay về cho vay lại là 12.899 tỷ đồng. Công tác trả nợ được thực hiện chặt chẽ, trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo đúng các cam kết với nhà tài trợ.

Về hạn mức bảo lãnh Chính phủ, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội ngày 9/11/2016 về Kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 07-NQ/TƯ ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia, an toàn bền vững đã đưa ra định hướng về hạn mức bảo lãnh của Chính phủ năm 2017 và các năm tiếp theo là: “Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới; đối với 2 ngân hàng chính sách, bảo lãnh phát hành mới bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm”. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hạn mức bảo lãnh năm 2017 phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và hạn mức bảo lãnh phát hành cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đối với bảo lãnh cho các DN vay vốn trong và ngoài nước, 9 tháng đầu năm không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn. Việc giải ngân ròng các dự án đã cấp bảo lãnh trước đây vẫn nằm trong hạn mức được phê duyệt.

Ở địa phương, ước vay trong năm là 14.044 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản 3.000 tỷ đồng vay từ nguồn kiên cố hóa kênh mương năm 2016 và khoảng 1.700 tỷ đồng Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải chuyển nợ cho thành phố Hà Nội). Trước đó, căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán NSNN năm 2017 và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi NSNN năm 2017, kế hoạch vay và trả nợ của địa phương trong năm 2017 là 23.857 tỷ đồng, gồm vay trong nước 17.500 tỷ đồng; vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 6.357 tỷ đồng.

Kiểm soát vay nợ của DN

Bày tỏ về tình hình nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (trong buổi thảo luận tại tổ về tình hình KTXH ngày 24/10/2017) có nêu: “Thời điểm này chúng tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều so với 2-3 năm trước, bởi dù quy mô tăng nhưng áp lực giảm, vì theo báo cáo đến cuối năm nay nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn, cơ cấu chuyển biến rất tích cực, nợ Chính phủ tích cực”. Theo phân tích của Bộ trưởng, năm 2011, nợ nước ngoài trong nợ Chính phủ là 60%, nợ trong nước 39%, nhưng thời điểm này 2 con số này đảo ngược (nước ngoài 39%, trong nước 60%), việc cơ cấu lại nợ công đang đi đúng hướng là giảm nợ nước ngoài tăng nợ trong nước. Mặt khác kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) tăng từ mức bình quân 1,84 năm (năm 2011); lên 8,7 năm vào cuối năm 2016. Từ đầu năm 2017 đến nay không có khoản nào phát hành dưới kỳ hạn 5 năm, có nhiều khoản phát hành với kỳ hạn 30 năm và tính bình quân năm 2017 kỳ hạn TPCP bình quân 14,1 năm nên áp lực trả nợ giảm. Song song với đó lãi suất phát hành TPCP tiếp tục có xu hướng giảm từ 12,1% (năm 2011) xuống 6,28% (năm 2016) và năm 2017 còn 6% đến 6,1%. Như vậy, kỳ hạn kéo dài 3-4 lần; lãi suất giảm một nửa giúp nghĩa vụ trả nợ giảm và góp phần quan trọng trong việc cơ cấu lại nợ công.

Căn cứ vào các chỉ số nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2016, ước tính các chỉ số nợ công năm 2017, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nợ công, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đề ra. Trong đó: Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, tập trung vào việc huy động vốn bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước trong khung cân đối ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; chỉ vay nợ cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ. Chính phủ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ của DN (cả vay trung, dài hạn và ngắn hạn) theo hình thức tự vay tự trả trong giới hạn được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018. Cụ thể, hạn mức vay thương mại trung và dài hạn của DN hàng năm tối đa là 5,5 tỷ USD, mức độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8-10%.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tập trung thống kê số lượng và giá trị các dự án mới ký kết và có khả năng sẽ ký kết trong giai đoạn 2016-2020 mà chưa có trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để có căn cứ đánh giá tác động đến nợ công cũng như kế hoạch tài chính trung hạn; đề xuất, lựa chọn dự án đầu tư phát triển quan trọng và cần thiết để vận động nhà tài trợ và sử dụng nguồn vốn ODA, đồng thời phải tính đến xu hướng gia tăng chi phí, kỳ hạn vay ngắn hơn do Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn IDA (nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới) nhằm đảm bảo hiệu quả của dự án.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-no-cong-can-trong-huy-dong-von-siet-vay-kiem-soat-phan-bo.aspx