Nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động

Ngày 1/10, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng Học viện CSND, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học 'Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động'. Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự chủ trì Hội thảo.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà phát biểu tại Hội thảo

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà phát biểu tại Hội thảo

Theo Cục Cảnh sát hình sự: Trong những năm gần đây, tình hình phạm pháp hình sự có nhiều diễn biến phức tạp, các loại tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan đến trẻ em, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm do các đối tượng ngáo đá gây ra…có chiều hướng gia tăng. Tình hình tội phạm có tổ chức hoạt động ngày càng kín đáo hơn, tạo “vỏ bọc”, núp bóng dưới danh nghĩa các cơ sở kinh doanh tài chính, doanh nghiệp để hoạt động, sử dụng công nghệ cao gây khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá. Tình trạng các đối tượng người nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước để thực hiện hành vi phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp.

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn phát biểu tham luận tại Hội thảo

Qua thực tiễn công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân cho thấy, các đối tượng hình sự thường xuyên sử dụng phương thức lưu động để hoạt động và che dấu tội phạm. Với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giao thông, công nghệ thông tin và sự mở rộng, hợp tác, giao thoa kinh tế, xã hội giữa các vùng, miền, giữa các quốc gia thì các đối tượng đã sử dụng triệt để phương thức hoạt động lưu động, gây khó khăn lớn cho công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh.

Qua điều tra, các đối tượng này thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, chủ yếu gắn với tuyến đường giao thông và địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh; một số đối tượng có hành vi móc nối, cấu kết với các đối tượng ở địa bàn nơi chúng đến để hình thành băng, ổ nhóm. Đối tượng hoạt động lưu động thường thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau, nhưng chủ yếu là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu và tệ nạn xã hội. Thực trạng công tác quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động chủ yếu thực hiện theo các công tác nghiệp vụ và chiếm hơn 50% tổng số đối tượng được phát hiện…

Tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Xu hướng dịch chuyển của các đối tượng giang hồ, cộm cán, đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự từ các tỉnh, thành phố phía Bắc (như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…), các tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh…), các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên vào TP Hồ Chí Minh để ẩn náu, hình thành băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức để hoạt động phạm tội. Trước đây, chúng tập trung nhiều ở trung tâm thành phố, sau khi bị trấn áp có xu hướng dạt ra vùng ven để hoạt động. Sau đó, chúng quay lại trung tâm thành phố để tổ chức ăn chơi, hưởng thụ tiếp tục gây mất ANTT tại các quán bar, vũ trường, karaoke…kể cả các đối tượng hoạt động mại dâm lợi dụng mạng xã hội để tổ chức mua bán dâm, các đường dây sextour và không có chỗ mua bán dâm cố định…Do đó, hoạt động của các băng nhóm, đối tượng hiện nay đều mang tính chất lưu động cao.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đại diện Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị, việc phân loại đối tượng hình sự hoạt động lưu động ở một số văn bản chủ yếu dựa vào sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác gắn với hoạt động phạm tội của đối tượng để phân loại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đối tượng không di chuyển, ở một nơi cố định nhưng hoạt động phạm tội trên không gian mạng, cấu kết đối tượng ở nhiều địa bàn khác nhau, phạm vi rộng trong và ngoài nước thì cần thiết phải xác định là đối tượng hoạt động lưu động, để đảm bảo công tác phối hợp quản lý, đấu tranh hiệu quả.

Công tác thông báo, trao đổi, cung cấp thông tin về đối tượng hình sự hoạt động lưu động phải thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời khi phát hiện chúng đi hoặc đến địa bàn hoạt động, việc trao đổi thông tin thực hiện bằng các phương tiện thông tin chặt chẽ để đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Thiết lập đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin về đối tượng ở phòng Cảnh sát hình sự và Đội Cảnh sát hình sự cấp huyện để đảm bảo hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, có sự phối hợp, trao đổi thông tin, tài liệu giữa các lực lượng quản lý đối tượng, nhất là đối tượng từ tỉnh, thành khác đến địa phương mình hoạt động, mà không để chúng có thời gian, điều kiện móc nối hình thành các băng nhóm gây án nghiêm trọng…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà đề nghị, cần sớm xây dựng các quy định về quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động. Trong đó, xác định rõ khái niệm, nhận diện, tiêu chí phân loại, phân công, phân cấp, quy định về công tác phối hợp giữa các địa phương, lực lượng, chế độ công tác hồ sơ, đưa công nghệ thông tin vào số hóa việc quản lý đối tượng và tận dụng các cơ sở dữ liệu hiện có phục vụ công tác quản lý đối tượng lưu động. Lãnh đạo Công an các cấp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động, có ý thức trách nhiệm chung trong việc quản lý, phối hợp xác minh trả lời, chia sẻ thông tin trong phòng ngừa, đấu tranh với các tội phạm do đối tượng lưu động gây ra.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân cần thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, định kỳ kiểm tra, đánh giá và có chỉ đạo để nâng cao chất lượng công tác hồ sơ liên quan đến đối tượng hình sự hoạt động lưu động. Bên cạnh đó, Công an các địa phương cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các địa phương để trao đổi, khai thác, bổ sung thông tin về hoạt động của đối tượng tại các địa bàn có liên quan; thường xuyên rà soát, thông báo số đối tượng ngoại tỉnh bị bắt, xử lý tại địa phương mình cho các địa phương có liên quan biết và phải có sự phản hồi. Kịp thời thông báo, xác minh, trả lời các thông tin liên quan đến sự thay đổi địa bàn hoạt động của đối tượng một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất…

Đức Mừng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-doi-tuong-hinh-su-hoat-dong-luu-dong-613807/